TIN MỚI

Hội Nông dân Phan Thiết phối hợp tham quan học tập mô hình trồng Trôm, Nho ghép và Quýt tại Tuy Phong

Nhìn thấy những khó khăn của hội viên nông dân trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm kiếm những giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương để thay thế những mô hình trồng trọt chưa hiệu quả; Công đoàn cơ sở Hội Nông dân - Cựu Chiến binh thành phố phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố tổ chức cho hơn 30 cán bộ, công chức 2 đơn vị cùng với hội viên nông dân xã Tiến Thành và Thiện Nghiệp đi tham quan học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây trôm, cây nho ghép và cây quýt lai tại huyện Tuy Phong. 

Đoàn trao tặng quà cho hội viên nông dân nữ tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong

Sau hơn 90 phút xe chạy, đoàn tham quan đã đến UBND xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Sau khi trao đổi, làm việc với lãnh đạo địa phương, đoàn đã trao tặng 10 suất quà trị giá 700.000 đồng/suất cho hội viên nông dân nữ tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, đây là sự chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần cho hội viên nông dân nữ có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Và như chương trình đã xây dựng, đoàn lần lượt đi thắm các mô hình. Mô hình đầu tiên đoàn đến là vườn trôm hơn 2.000 cây của hộ ông Phan Khắc Phong tại xã Vĩnh Hảo. Tại đây, đoàn đã được chủ vườn trôm chia sẻ những kinh nghiệm trồng trôm của gia đình nhiều năm qua và cho biết: “đến kỳ thu hoạch cứ 2 kg mủ trôm tươi sau khi đem phơi thu được 1 kg mủ trôm khô để bán với giá 140.000 đồng/kg, nhờ đó mà gia đình có kinh tế ổn định”.    

Tiếp đến, đoàn tham quan vườn nho Tư Thành tại xã Phước Thể. Với quy mô vườn trên 500 m2, hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 200.000 cây nho ghép, với giá 15.000 đồng/cây. Ông Thành, chủ vườn cho biết: “cành nho dại được ươm trong bầu cho đến khi ra cành mới đưa ra trồng trực tiếp tại vườn. Khi cây nho dại phát triển, tùy theo sở thích của người trồng họ có thể ghép giống nho xanh hay giống nho đỏ vào gốc cây nho dại bằng phương pháp ghép nêm cành hoặc ghép mắt, với tỉ lệ sống trên 95%”. Trồng nho theo phương pháp ghép cành trên thân nho dại sẽ giúp cây nho có sức đề kháng cao, giảm bớt sâu bệnh, cho năng suất vượt trội”.

Điểm đến cuối cùng của đoàn là vườn quýt lai của gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo. Vườn quýt rộng 2,5 sào với hơn 400 cây quýt sai trĩu quả. Ông Dũng, chủ vườn chia sẻ “lúc đầu ông chỉ trồng thử nghiệm một cây gần nhà, thật bất ngờ, cây quýt lai lại thích nghi với đất đai và khí hậu ở đây. Sau 4 năm, cây quýt lớn nhanh, đạt đến 150 kg quả ngay đợt thu hoạch đầu tiên”.  Đến nay gia đình ông đã mở rộng thêm diện tích trồng quýt lai trên 7 sào đất và nuôi đàn bò, dê và gà ta đến hàng trăm con. Ngắm nhìn vườn quýt xanh ngát - thành quả của người nông dân vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, mỗi thành viên trong đoàn đều khâm phục ý chí của ông Dũng, tiếp thu kinh nghiệm để áp dụng tại địa phương.   

Chuyến tham quan học tập kinh nghiệm do Công đoàn cơ sở Hội Nông dân-Cựu Chiến binh thành phố phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố tổ chức đã kết thúc thành công và gặt hái được nhiều kết quả, giúp cho cán bộ, hội viên nông dân học hỏi được kinh nghiệm trồng các giống cây mới, góp phần phát triển kinh tế địa phương nói chung và kinh tế gia đình nói riêng. Đồng thời, đã thể hiện tinh thần “nhường cơm xẻ áo” đối với những mảng đời khó khăn nó càng có ý nghĩa hơn nữa khi những phần quà gửi đến các chị đúng vào ngày 8/3 – ngày quốc tế phụ nữ./.


Các tin khác

Lượt truy cập

694771