Để phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu và hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên nông dân làm nòng cốt và tích cực tham gia các phong trào khuyến học, xây dựng dòng họ hiếu học, tích cực tham gia ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và tham gia vào tổ chức Hội khuyến học. Ở một số cơ sở Hội đã tổ chức được các lớp phổ cập do cán bộ Hội phối hợp tổ chức đứng lớp, phân công cán bộ chi, tổ Hội phụ trách địa bàn thường xuyên đến từng nhà kiểm tra nắm bắt, phát hiện các em có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học để kịp thời động viên, giúp đỡ tạo điều kiện các em được tiếp tục học trở lại, nhất là vào kỳ thi đã phân công từng cán bộ đưa đón các em nhà cách xa trường học để đảm bảo kỳ thi của các em như: Xã Phan Hiệp - Bắc Bình, thị trấn Liên Hương – Tuy Phong, Vũ Hoà - Đức Linh, Đa Mi – Hàm Thuận Bắc, Phước Hội – La Gi…góp phần đạt tỷ lệ huy động trẻ 6 – 10 tuổi ra học tiểu học bình quân hàng năm đạt 99,85%; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và nguy cơ bỏ học cao tiếp tục duy trì học trở lại đạt chỉ tiêu quy định.
Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân với nhiều nội dung đa dạng luôn được Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện. Từ 2010 – 2016, đã tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 10.366 cán bộ Hội từ tỉnh đến chi Hội.
Công tác phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phong trào là đưa tiến bộ kỹ thuật để nông dân được tiếp cận và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 13.965 lớp tập huấn chyển giao KHKT cho 744.580 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự dưới hình thức hội thảo, ứng dụng các mô hình với nhiều nội dung thiết thực như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thuỷ sản ....Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp dạy nghề bằng nhiều hình thức, chú trọng dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề tại chỗ phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của hội viên, nông dân. Từ năm 2006 - 2016, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức 1.404 lớp dạy nghề cho 44.769 lượt hội viên, nông dân; trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực tiếp phối hợp tổ chức 241 lớp dạy nghề cho 7.346 lượt hội viên, nông dân.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức; có 26 giải pháp tham gia, trong đó, có 03 giải pháp đạt giải nhì, 02 giải đạt khuyến khích tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do Trung ương Hội tổ chức; Hội thi do tỉnh tổ chức có 09 giải pháp đạt giải 03, 12 giải pháp đạt giải khuyến khích và phối hợp triển khai 23 đề tài, dự án với 82 hộ hội viên, nông dân tham gia thực hiện mô hình như: Hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, nuôi trùn quế, trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp tưới phun tiết kiệm nước, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bùn và phế phẩm nông nghiệp, chăn nuôi heo trên đệm lót lên men, liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm, trồng hoa cúc cấy mô, trồng lan mokara cắt cành; xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên lúa...
Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm tới việc xây dựng quỹ khuyến học. Từ năm 2009- 2016, Hội đã trực tiếp vận động được 205 suất học bổng, trị giá 57,9 triệu đồng, 810 suất quà tổng trị giá 21,4 triệu đồng, 3.000 cuốn vở, 200 cây viết, 21 thẻ bảo hiểm thân thể và hàng chục bộ quần áo cũ…. Riêng Hội Nông dân tỉnh, từ năm 2012 đến nay đã cùng Đoàn Thanh niên tỉnh Bình Thuận với Báo Tuổi trẻ TP.HCM và Cty CP GreenFeed Việt Nam thực hiện Chương trình chương trình “tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, nhằm giúp các hộ nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có mong muốn chăn nuôi, có con em học tập đạt thành tích khá. Giai đoạn 2012-2014, có 60 hộ hội viên nông dân nghèo của 06 xã Sùng Nhơn, Đức Hạnh (Đức Linh) và Đức Thuận, Đức Bình, Huy Khiêm và Đức Phú (Tánh Linh), được tài trợ 840 triệu đồng (trong đó hỗ trợ cho mượn 720 triệu đồng tiền mặt và tài trợ thức ăn gia súc, gia cầm trị giá 120 triệu đồng trong 02 năm và mỗi hộ 12 triệu đồng tiền mặt và 02 triệu đồng bằng thức ăn gia súc, gia cầm và 194,8 triệu đồng học bổng/146 suất (183 triệu đồng tiền mặt và quà giá trị 11,8 triệu đồng. Giai đoạn 2015 – 2017, có 60 hộ nông dân tại 04 xã: Vũ Hòa và Võ Xu (Đức Linh), Thắng Hải và Sơn Mỹ ( Hàm Tân). Tổng số vốn tài trợ và sản phẩm thức ăn là 1.080 triệu đồng (Mỗi hộ được mượn 15 triệu đồng tiền mặt, không tính lãi, hỗ trợ thức ăn gia súc trị giá 3 triệu đồng). Và số tiền học bổng đến thời điểm này là: 179,5 triệu đồng/196 suất (160,5 triệu đồng tiền mặt/126 suất và quà trị giá 19 triệu đồng).
Những hoạt động cụ thể trên của các cấp Hội Nông dân tỉnh đã khơi dậy tinh thần học tập trong cán bộ, hội viên, nông dân và con em nông dân. Từ đó, giúp cán bộ, hội viên nông dân và con em của họ được nghiên cứu, học tập, trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ Hội ngày một trưởng thành qua thực tiễn công việc và quá trình tự học, tự rèn. Nhiều hội viên, nông dân đã tìm ra con đường thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ sự tìm tòi, học hỏi cách thức làm ăn, kinh nghiệm sản xuất và con em nông dân vượt khó, lập nghiệp ổn định, góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa học tập, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.