Các thành viên đã cùng trao đổi, bàn bạc tìm hiểu quy trình nuôi trồng, nguồn nguyên liệu, nơi tiêu thụ; đồng thời đã trực tiếp đi học tập kinh nghiệm thực tế và kỹ thuật nuôi trồng ở các trang trại tập trung, các trung tâm nuôi trồng nấm ở Tây Nguyên, Bình Dương, các tỉnh miền Đông kết hợp với nghiên cứu giáo trình, tài liệu trồng nấm. Từ đó đánh giá được các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu cần thiết cho việc nuôi trồng các loại nấm phù hợp với tỉnh nhà, tạo ra một ngành sản xuất mới cùng với địa phương giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, ổn định đời sống và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Qua nghiên cứu học tập, Tổ hợp tác đã bắt tay vào tổ chức sản xuất và đã nuôi trồng thành công nấm Linh Chi, nấm Bào ngư tại thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết. Đến nay, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng hạ tầng gồm nhà làm việc, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nhà kho, nhà ăn, nhà nghỉ cho công nhân; mua sắm thiết bị đầy đủ để phục vụ tốt các quy trình trong quá trình sản xuất nấm. Hiện nay có 1 máy đóng phôi tự động, 1 máy sàn, 1 máy trộn, 3 băng tải mùn cưa, 1 băng tải chuyển phôi lên xe, 1 tủ sấy công nghệ Halogen, 1 lò hơi và 1 lò thanh trùng (công suất 3500 phôi /lần).
Ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ nhiệm Hợp Tác xã cho biết: Giai đoạn đầu sản phẩm bán ra hết sức khó khăn vì người tiêu dùng chưa hiểu và biết về sản phẩm. Nhưng với sự nổ lực của các thành viên tổ hợp tác, sự giúp đỡ của Hội Nông dân thành phố, báo đài của tỉnh, thành phố đưa tin quảng bá cho sản phẩm đến nay sản phẩm nấm Linh chi và nấm Bào ngư của Hợp tác xã đã được người tiêu dùng biết đến.
Hiện nay Hợp Tác xã đã phát triển được 1 hộ thành viên làm vệ tinh xây dựng trại nấm với diện tích 150 m2 có số lượng phôi giống 22.000 phôi, tại phường Phú Trinh. Ngoài ra, các thành viên Hợp Tác xã đã tư vấn cho các hộ có nhu cầu trồng nấm trong thành phố và các huyện trong tỉnh để nhân rộng.