TIN MỚI

Người cán bộ Hội giỏi và biết làm giàu

Anh Cáp Kim Thành ở xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, được nhiều người trong xã và huyện biết đến anh không chỉ vì anh là một Chủ tịch Hội Nông dân xã giỏi, trách nhiệm và luôn tâm huyết với công tác Hội và phong trào của địa phương; mà anh còn là gương nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Từ năm 2010 đến nay, anh đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Với quy mô sản xuất, kinh doanh 10 ha, trong đó 8 ha trồng lúa giống xác nhận, 2 ha trồng xoài, chuồi, vú sữa và làm dịch vụ máy nông nghiệp, kinh doanh lúa giống xác nhận, rơm cuộn… Thu nhập bình quân (sau khi trừ chi phí) từ năm 2014 - 2016, còn lãi gần 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm ổn định từ 10 - 15 lao động với mức lương 4,5 - 10 triệu đồng/tháng/lao động.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện về anh, chúng tôi đã tìm đến nhà và thăm nơi sản xuất của gia đình anh. Tại đây, chúng tôi đã được anh chia sẻ: Quê tôi ở xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị, gia đình làm nông, sau khi gia đình vào lập nghiệp tại vùng đất Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh nên gia đình vẫn tiếp tục cuộc sống của nhà nông, cuộc sống nơi quê mới tuy có khá hơn ở quê nhưng vẫn còn  rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song, bản thân là cán bộ đoàn của xã có điều kiện thuận được tiếp cận được nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các hoạt động của đoàn cộng với ý chí, nghị lực của tuổi trẻ và đến khi đã lập gia đình lại ở chung với cha mẹ, đó là yếu tố cơ bản đầu tiên giúp tôi bắt đầu tạo dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh từ năm 1996, khi mới ở tuổi 24 và sau khi lập đình được 1 năm. Nhưng khi bắt đầu làm rất nhiều cái khó, cái khổ; vợ chồng cùng nhau khai hoang đất khu vực Suối Tum, cách nhà 3 km. Vì đây là vùng đất đồi gò cao nên vừa khai hoang, vừa cải tạo chuyển đổi dần để trồng lúa, từ 1 ha đến 3 ha và rồi 5 ha. Có đất, vợ chồng vay vốn đầu tư trồng 02 vụ lúa xen 01 vụ bắp và đào 1 ha ao nuôi cá. Nhưng bắp sau vài đầu vụ thu hoạch đạt, những năm tiếp theo liên tiếp thất bại và thua lỗ cả trăm triệu đồng nên tôi đã chuyển qua trồng 03 vụ cây lúa. Tiếp đến cá, cũng không còn hiệu quả tôi cho thu hẹp diện tích ao lại chỉ đủ để chứa nước chủ động nước tưới khi mùa khô và lượng cá nuôi phục vụ nhu cầu thức ăn cho gia đình và lao động làm công. Diện tích lúa được mở rộng thêm và tìm hiểu cây xoài cát tôi đã trồng thử 60 cây, sau 3 năm xoài ra trái có thu nhập cao tôi đã bố trí trồng thêm 200 cây dọc theo các bờ ruộng, bờ ao, vừa có thêm thu nhập vừa tạo bóng mát. Để chủ động trong việc đập, suốt lúa cũng như giảm chí phí công lao động, đồng thời làm thêm dịch vụ suốt lúa cho các hộ trong xã tôi đã đầu tư mua thùng suốt lúa sử dụng máy nổ và trâu cày.

Từ năm 2000, công việc sản xuất, kinh doanh dịch vụ của gia định khá thuận lợi, tích lũy tăng dần từng năm và nhu cầu gặt cày tại địa phương rất cao nên vợ chồng tôi đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng; thời điểm vay cao nhất là 500 triệu đồng để mua các loại máy để phục vụ cho gia đình và bà con trong địa phương và đến nay chúng tôi đã có 03 máy cày, 02 máy gặt đập liên hợp, 03 máy gặt và một máy cuộn rơm và đã xây một nhà kho diện tích 300 m với tổng trị giá 300 triệu để vừa chứa lúa giống và rơm cuộn.

Riêng về lúa, hiện nay tôi không sản xuất lúa thịt mà đã chuyển qua sản xuất lúa giống xác nhận với diện tích 8 ha, năng suất bình quân từ 8,5 - 9 tạ/sào. Việc chuyển đổi này cũng một phần xuất phát từ nhu cầu giống chất lượng cho gia đình và bà con trong vùng, trước tình hình việc mua giống lúa trôi nổi trên thị trường với giá cao và mỗi hộ nông dân tự để lúa lại lúa sau khi thu hoạch để làm giống nên năng suất lúa không hiệu quả, hay dịch bệnh và đồng thời có sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông, phòng Nông nghiệp năm 2012 và Hội Nông dân về việc thành lập tổ giống lúa xác nhận. Tổ được thành lập từ năm 2012 và tôi làm tổ trưởng với 13 thành viên/22 ha. Khi tổ có quyết định thành lập, ngoài sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành chức năng, chúng tôi còn được Hội Nông dân hướng dẫn làm dự án để vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Và để tạo điều kiện và khuyến khích việc duy trì sản xuất giống lúa xác nhận tôi đã đầu tư nhà kho để thu mua toàn bộ số lượng lúa và rơm của tổ để tiêu thụ và cung cấp cho các xã trong huyện có nhu cầu và đồng thời giúp các hộ khó khăn trong xã mượn khi xuống giống; rơm tôi xuất bán cho các hộ chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng và các hộ trồng thanh long trong tỉnh.

Anh chia sẻ thêm: Công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình có ngày hôm nay, ngoài sự lỗ lực của 2 vợ chồng và sự tạo điều kiện giúp đỡ của cha mẹ về nơi ăn ở ban đầu, sự đồng thuận của vợ chồng trong từng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bên cạnh là sự chăm ngoan, ý thức tự giác của con, còn là vai trò của bản thân tôi do được liên tục tham gia công tác của địa phương từ cán bộ đoàn thanh niên, đến thôn trưởng và từ năm 2009 đến nay là Chủ tịch Hội Nông dân của xã, chính từ những hoạt động xã hội, phong trào tuy bộn bề công việc đấy nhưng đã là động lực và điều kiện thuận lợi cho tôi luôn phải vươn lên hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và bên cạnh việc biết làm giàu cho bản thân, tôi đã biết chia sẻ giúp đỡ, đóng góp với địa phương, người thân, làng xóm. khi  có điều kiện; nhất là những người lao động tại trang trại của tôi.

Được biết anh là một trong những Chủ tịch Hội Nông dân xã luôn có tinh thần trách nhiệm, năng động và rất chủ động trong công việc, hoạt động phối hợp với các ngành chức năng liên quan để tranh thủ các chương trình, dự án… có lợi cho hội viên nông dân. Đã nhiều năm liền Hội Nông dân xã luôn đạt vững mạnh và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen. Trong việc đóng góp phong trào xây dựng nông thôn mới, anh cũng là một điển hình tiêu biểu. Con đường vào Suối Tum, gia đình anh đã đóng góp 70 triệu đồng, nhờ đó mà bà con nông dân được thuận tiện trong việc vận chuyển nông sản và không phải lầy lội khi mỗi mùa mưa đến; hàng năm giúp các hộ khăn không tính lãi trên 70 triệu đồng và hàng chục hộ về lúa giống, hướng dẫn cách làm ăn thông qua các buổi xuống thôn dự sinh hoạt… Anh đúng là một người cán bộ Hội Nông dân giỏi biết làm giàu nhưng luôn sẵn lòng chia sẻ. Gương như anh chúng ta cần nên tuyên truyền nhân rộng để làm theo. 


Các tin khác

Lượt truy cập

694788