Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đạt kết quả các nội dung Văn bản liên tịch giữa Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 30/6/2017, Hội Nông dân cấp huyện, xã đã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội cấp huyện thành lập, củng cố, duy trì hoạt động 691 Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV), với dư nợ ủy thác là 636,5 tỷ đồng/28,5 nghìn hộ vay, tăng 5,4 % so với cuối năm 2016 và chiếm 28,6% dư nợ ủy thác do các Hội đoàn thể quản lý. Các cấp Hội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các Tổ TK&VV tổ chức hoạt động theo đúng Quy chế về tổ chức và hoạt động Tổ TK&VV, thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ được ủy nhiệm theo hợp đồng đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp tổ chức 450 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Ban Quản lý các Tổ TK&VV đã tích cực phối hợp tuyên truyền đến tổ viên, hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; tổ chức họp bình xét đối tượng vay vốn; giám sát, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; thu lãi định kỳ và vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm…; tỷ lệ tổ hoạt động tốt, khá đạt 97,54%; nhiều hộ vay đã phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Kết quả phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Song, vẫn còn một số nội dung phối hợp thực hiện chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là tỷ lệ nợ quá hạn cao (chiếm 0,34% so với tổng dư nợ do Hội Nông dân quản lý); số thành viên Tổ TK&VV gửi tiền tiết kiệm bình quân hàng tháng chưa cao; còn 17 Tổ TK&VV hoạt động trung bình, yếu.
Để tiếp tục phối hợp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, trọng tâm là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Hội trực thuộc và các Tổ TK&VV; củng cố các Tổ TK&VV có chất lượng hoạt động trung bình, yếu và các Tổ có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ Hội cấp xã, Ban Quản lý Tổ TK&VV; phối hợp với các ban, ngành tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; phối hợp xử lý nợ quá hạn, thu lãi tồn đọng; rà soát, phân tích các trường hợp nợ quá hạn và có biện pháp cụ thể đối với những trường hợp nợ quá hạn có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ, dây dưa nhằm giảm tỷ lệ nợ quá hạn. Quý III/2017, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã phát động thi đua trong hệ thống Hội, phấn đấu đến 30/9/2017, đạt các chỉ tiêu như: giảm nợ quá hạn (tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống dưới 0,2%); giảm lãi tồn; huy động thành viên Tổ TK&VV gửi tiết kiệm hàng tháng; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý Tổ TK&VV; Hội Nông dân cấp xã thực hiện tốt các nội dung Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác vào ngày giao dịch xã.