TIN MỚI

Lão nông ở tuổi 72 vẫn đam mê thanh long VietGAP

Ông là Trần Văn Tánh, năm nay đã 72 tuổi, là hội viên nông dân thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Ở tuổi như ông, lẽ ra cần được nghỉ ngơi, thư giãn và hưởng thụ từ những đồng tiền mà vợ chồng ông đã tích luỹ được hơn 20 năm nay từ vườn thanh long này. Nhưng ông vẫn hàng ngày đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa luôn có mặt ngoài vườn vừa làm, vừa để chỉ dẫn kỹ thuật cho lao động. Có lẽ vì vậy mà trong ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ và khoẻ mạnh hơn nhiều so với cái tuổi của ông.   

Mô hình trồng thanh long VietGAP của gia đình ông Trần Văn Tánh

Ông cho biết: Làm thanh long VietGAP rất khó khăn, vất vả, đầu ra của sản phẩm không có sự khác biệt nào với thanh long trồng theo kinh nghiệm và quy trình kỹ thuật thông thường cho cây thanh long nhưng tôi vẫn đam mê làm. Làm trước tiên để có môi trường trong lành, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, gia đình và người làm; đồng thời giữ được thương hiệu thanh long Bình Thuận. Vì lẽ đó, mà khi bước chân vào trang trại thanh long 10 ha của gia đình dù được trồng xung quanh nhà nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được một không khí mát lành mặc dù thời tiết ngoài trời lúc này ở đây rất nóng bức, vườn rất sạch, cành tược rất xanh, những trái thanh long chín đỏ đang trong mùa vụ chính.

Ông nói rằng: Hàm Thạnh quê ông hàng chục năm về trước là một xã miền núi khó khăn và hầu như nhà nào cũng nghèo, trong đó có gia đình cha mẹ tôi. Ngày tôi xuất ngũ trở về quê hương, tôi lại tiếp tục công việc của nhà nông nhưng vừa làm tôi vừa tìm hiểu, học hỏi để làm sao có một cây trồng nào, cách sản xuất nào để cuộc sống gia đình tốt hơn, nhất là những năm tháng trong quân đội đã rèn luyện cho tôi bản lĩnh không chịu khuất phục trước khó khăn, phải phấn đấu vươn lên. Nên khi nghe và biết được thông tin cây thanh long một số xã trong huyện và huyện Hàm Thuận Bắc bên cạnh trồng cây thanh long rất hiệu quả, đã có hộ thoát nghèo và có thu nhập cao từ loại cây trồng này. Tôi bắt đầu đi tìm hiểu, học hỏi và đã mạnh dạn trồng thử 500 trụ và nuôi 04 con bò với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” là lấy nguồn thu từ lúa, các cây hoa màu để đầu tư cây thanh long. Khi đó chưa có phong trào trồng trụ bằng xi măng như bây giờ phải đầu tư trụ gỗ khá tốn kém và cũng chỉ là thu hoạch 01 vụ chính thôi. Có thể nói, tôi là người đầu tiên của xã đưa cây thanh long về trồng nên một số người trong xã rất quan tâm theo dõi kết quả sẽ như thế nào. Đến năm thứ 3, thanh long cho trái vụ đầu tiên và sản lượng rất đạt, cả gia đình vui mừng trong hạnh phúc và hy vọng từ nay cuộc sống sẽ thay đổi. Cũng chính từ đó, phong trào chuyển đổi các loại cây trồng cũ, truyền thống sang trồng cây thanh long.

Nhưng với gia đình, để có tiền đầu tư mở rộng diện tích trồng và hạ trạm biến áp để chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ, vợ chồng tôi đã phải mạnh dạn vay vốn ngân hàng và từ năm 2005 - 2009, chúng tôi vay thấp nhất là 30 triệu, cao nhất là 300 triệu và kết quả là có 10 ha thanh long, một đàn bò 20 chục con để cung cấp phân bón cho cây. Đặc biệt, năm 2009 khi địa phương có chủ trương tuyên truyền vận động, khuyến cáo người trồng thanh long áp dụng quy trình VietGAP và áp dụng sử dụng bóng đèn compact trong đèn kích thích ra hoa trái vụ trên cây thanh long, thông qua Hội Nông dân vận động và được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm phát triển cây thanh long của tỉnh, thông qua các lớp tập huấn và bản thân tìm hiểu học hỏi thêm qua tài liệu tôi đã cùng vợ con áp dụng thử từng diện tích ít một, sau thấy hiệu quả, năng suất không giảm, chất lượng tốt và đặc biệt giảm rất nhiều chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tiền điện so với trước nên tôi đã nhân rộng và thực hiện trên toàn bộ diện tích vườn hiện có. Từ đó nguồn thu của gia đình rất ổn định, bình quân từ năm 2014  đến nay thu nhập sau khi trừ chi phí đạt trên 1 tỷ đồng. Tạo việc làm ổn định cho 08 lao động với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng/lao động, chưa kể hàng chục lao động thời vụ.

Nhưng ông cho biết thêm: Tôi rất ủng hộ và đồng tình việc áp dụng quy trình trồng thanh long VietGAP vì trước tiên nó bảo vệ sức khoẻ cho chính người nông dân, người trực tiếp sản xuất nhưng nhà nước và các ngành liện quan cần có cơ chế chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người áp dụng quy trình này, nhất là giá cả và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để hạn chế tình trạng thanh long có lúc bán không ai mua hoặc bán không đủ trả công cho người làm và đồng thời có biện pháp phòng, trị hiệu quả bệnh đốm nâu trên cây thanh long đã và đang xảy ra nhiều năm nay, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người trồng xử lý triệt dể, tốt đối với cá diện tích khi đã có dịch bệnh để tránh lây lan diện rộng.

Và ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Ông Trần Văn Tánh, không chỉ là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương từ năm 2007 đến nay mà còn là gương tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào của Hội Nông dân, của địa phương; nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào đền ơn đáp nghĩa, khuyến học và các hoạt động từ thiện xã hội; luôn tận tình giúp đỡ các hộ nghèo trong xã về vốn, giống, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Nhà tuy đông con nhưng các con đều được học hành và thành đạt. Ông là một tấm gương sáng không những trong xã và cả trong huyện trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ.   


Các tin khác

Lượt truy cập

834569