TIN MỚI

Lão nông ở tuổi thất thập vẫn đam mê làm giàu trên vùng đất Tân Đức

Nhìn ông từ xa với bộ đồ làm nông đứng ngoài trời, giữa cái nắng trưa hè gay gắt của vùng khô hạn Tân Đức, huyện Hàm Tân để đón chúng tôi đến thăm nhà và trang trại của gia đình mà lòng chúng tôi trào dâng một cảm xúc đến nghẹn lòng. Ông tên họ đầy đủ là Lý Quang Trung, sinh năm 1944, quê Bình Sơn, Quảng Ngãi và là cán bộ hưu trí, thương binh, đã có 53 tuổi Đảng. Hiện đang thường trú tại thôn 4, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân. 

Chỉ sau ít phút trao đổi lý do câu chuyện chúng tôi đến gặp vợ chồng ông hôm nay, đã được bác mời vô trang trại của gia đình để vừa nghe vừa nhìn thấy  những gì ông đã làm. Trang trại của gia đình rộng 22 ha được phân làm 3 khu vực trước kia trồng toàn bộ là mía nhưng nay đã phân ra 12 ha trồng cao su; điều 5 ha (2,6 ha điều ghép 10 năm tuổi), 1,5 ha thanh long và chuồng trại nuôi bò; khoai mỳ 4 ha và mía 2 ha.

Vào đến trang trại, cái đầu tiên chúng tôi đều có chung một nhận định: Ở cái tuổi thất thập như ông trên người còn những vết thương của thời chiến tranh để lại, thêm bệnh về tim, mạch vậy làm sao bác có thể đủ sức đảm đương công việc dù chỉ là quản lý. Thế nhưng khi vào câu chuyện ông đã cho biết: Trước tiên phải nói, ở tuổi này chưa nghỉ là bởi ông rất yêu thích những công việc đang làm và hai là nơi này ông đã chọn là quê hương thứ 2 để lập nghiệp. Ông đến với mảnh đất này cũng là một cơ duyên. Năm 1986, khi tham dự lớp học hành chánh dành cho các Phó Chủ tịch UBND huyện các tỉnh Nam, Trung bộ, trong một lần đi về ghé ngang qua đây thấy vùng đất nơi đây thật nhiều tiềm năng nên sau khi nghỉ hưu năm 1998 ông đã chuyển cả gia đình vào đây, hành trang lập nghiệp mang theo là dàn che làm nghề mía đường của vùng quê Quảng Ngãi. Vào đến đây, vơ chồng dựng cái nhà tranh và bắt đầu tạo dựng cơ nghiệp bằng nghề sản xuất mật mía bán ra Phú Yên và mua đất để trồng mía. Lao động làm thuê cho gia đình ông lúc này là 100 người (lao động thu mua mía và đốn mía, lao động làm mật mía và lao động chăm sóc mía). Đến cuối năm 1999, nhà máy đường Bình Thuận ra đời thì cũng là lúc gia đình ông chuyển nghề qua thu mua mía bán cho nhà máy đường vừa tăng thu nhập gia đình vừa đồng thời giải quyết việc làm cho lao động và đến cuối 2013 nghỉ luôn do không thấy hiệu quả.

Năm 2003, thấy việc sản xuất, kinh doanh thu mua mía không thuận lợi, bấp bênh,vợ chồng ông đã tính toán chuyển hướng đầu tư  nhiều loại cây trồng để tránh rủi do được mùa mất giá, được giá mất mùa và cái quan trong là chọn những loại cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Năm 2004, vợ chồng ông gom hết vốn tích luỹ cộng thêm vốn vay ngân hàng, đầu tư trồng điều, cao su; khi những cây này còn nhỏ ông cho trồng xen mỳ chứ không phải trồng mỳ riêng như hiện nay, vừa tận dụng đất, vừa lấy ngắn nuôi dài, rồi nuôi bò để có thêm phân bón cho cây. Từ năm 2014 đến nay, tuy thời tiết không thuận , giá cả đầu ra không ổn định nhưng do trồng nhiều loại cây nên thu nhập bình quân sâu khi trừ cho phí vẫn đạt 300 - 350 triệu đồng/năm.

Ông cho biết thêm: Khó khăn là thế, vất vả là thế nhưng vợ chồng ông vẫn thấy vui, vì bên cạnh việc 4 đứa con của gia đình vừa chịu học, vừa biết phụ giúp cha mẹ và nhất là ông có lương hưu, lương thương binh nên trang trải sinh hoạt hàng ngày của gia đình tạm ổn, đó là điều kiện thuận lợi hơn nhiều gia đình khác nơi đây. Chính vì thế nên khi làm có tích luỹ rồi ông luôn sẵn lòng chia sẻ với chòm xóm nơi đây khi gặp khó khăn hoặc hướng dẫn cách làm ăn. Luôn đi đầu trong mọi phong trào đóng góp cho địa phương. Con đường số 8, từ ngoài đường vào đây dài hơn 2,5 km và rộng 3 m được hình thành là do ông đã hiến đất, góp và vận động được 100 triệu đồng. Còn bầy bò hiện nay còn 9 con, trong đó 4 bò cái mẹ nhưng khi hộ nghèo khó muốn gầy bò giống để nuôi ông đều cho mượn bò mẹ về nuôi chừng nào đẻ con trả lại bò mẹ cho gia đình ông, năm nay ông tiếp tục cho 3 người mượn 3 con bò mẹ rồi và ở đây, cuộc sống rất còn khó khăn nên sống phải có cái tình mới bền lâu. Hai vợ chồng ông có 4 con, hiện đã lập gia đình và có cơ sở làm ăn, công việc ổn định, giờ chỉ còn 2 vợ chồng, tối ông vô đây ở trong coi vườn, ngoài nhà còn mình bác gái nhưng ông chưa muốn nghỉ làm việc và chính nhờ làm việc mà ông thấy mình luôn khoẻ mạnh.

Để có thành quả ngày hôm nay, ông cho biết: Phải biết chọn nghề lập nghiệp phù hợp tình hình điều kiện địa phương, ham làm và nên đầu tư đa chủng loại cây trồng lợi thế, luôn chịu khó học hỏi, tìm tòi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng lấy ngắn nuôi dài, sử dụng đồng vốn đầu tư hợp lý và biết chia sẻ với mọi người và quan trọng là vợ chồng phải đồng chí hướng và làm gương cho con. 


Các tin khác

Lượt truy cập

860477