TIN MỚI

Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận 15 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội

Từ khi có Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ quy định “Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo phương thức cho vay uỷ thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị-xã hội theo hợp đồng uỷ thác”. Theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg, ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11/3/2003, sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng, là cầu nối đưa chính sách tín dụng đến với nhân dân nghèo và đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được nguồn vốn cho vay của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã ký kết liên tịch 03 lần (Văn bản liên tịch 235/VBLT, ngày 16/4/2004; văn bản liên tịch số 365/VBLT, ngày 20/6/2007 và văn bản liên tịch số 889/VBLT-NHCS-HPN-HND-HCCB-ĐTNCSHCM, ngày 10/12/2014). Qua 15 năm (2002-2017) thực hiện liên tịch về phí uỷ thác từng phần và quy trình cho vay; kết quả việc thực hiện uỷ thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

Dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân tỉnh ngày càng cao hơn, năm 2002 dư nợ 12,011 tỷ đồng, đến tháng 6/2017 dư nợ 636,495 tỷ đồng, tăng 624,484 tỷ đồng. Như vậy cho vay qua Tổ TK&VV riêng của Hội Nông dân chiếm 31% tổng dư nợ  ủy thác của các đoàn thể. Nguồn vốn cho vay thông qua Chương trình liên tịch ký kết giữa hai bên tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố, 120/127 xã, phường, thị trấn và 691 tổ TK&VV/28.478 hộ vay với 13 chương trình tín dụng chính sách: Chương trình cho vay hộ nghèo, chương trình giải quyết việc làm, chương trình học sinh sinh viên, chương trình xuất khẩu lao động, chương trình gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình nước sạch & vệ sinh môi trường, chương trình đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình hộ nghèo về nhà ở, chương trình thương nhân tại vùng khó khăn, chương trình cho vay hộ cận nghèo, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay theo Quyết định 755, chương trình cho vay trồng rừng theo Nghị định 75. Chủ yếu đầu tư hỗ trợ cho nông dân đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, chất lượng tín dụng ngày càng cao, thu gốc-lãi theo định kỳ đạt tỷ lệ khoảng 95%; nợ quá hạn 2,175 tỷ đồng, chiếm 0,34% (tháng 6/2017). Huyện có số dư nợ cao nhất là huyện Hàm Thuận Bắc 83,553 tỷ đồng, 03 huyện (La Gi, Tánh Linh, Phan Thiết) có nợ quá hạn thấp và  huyện Phú Quý không có nợ quá hạn.

Thông qua hoạt động uỷ thác được tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn hàng tháng đã chuyển vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, các hộ nông dân nghèo được vay vốn thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian lao động, thời gian giao dịch tín dụng nhanh. Việc cho vay vốn qua Tổ TK&VV đã làm tăng sự đoàn kết; giúp cho hộ nghèo hình thành thói quen gửi tiết kiệm 37,540 tỷ đồng (tháng 6/2017) và có trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đời sống đại đa số nông dân ngày càng nâng lên ổn định và làm giàu, góp phần vào chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, năm 2016 hộ nghèo toàn tỉnh còn 13.753 hộ chiếm tỷ lệ 4,57%.

Nhờ nguồn vốn vay, hàng ngàn hộ nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình một số hộ như: Hộ Nguyễn Đại Ngọc (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong), hộ Trần Văn Hiệp (xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc), hộ Nguyễn Anh Tuấn (xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân), hộ Chu Văn Thuần (xã Đức Tân, huyện Tánh Linh), hộ Lê Thị Thanh Vân (xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh)... là một trong những hộ vay vốn đã phát triển tốt kinh tế gia đình, tích lũy được một số vốn ổn định cuộc sống.

Từ việc vay vốn Ngân hàng là một kênh quan trọng tập hợp nông dân vào tổ chức Hội, hội viên tăng 57.084 người so năm 2002; qua phân loại tổ chức Hội các cấp không có yếu kém; nội dung sinh hoạt các Tổ TK&VV gắn tổ hội duy trì, phong phú, hấp dẫn thiết thực hơn trước đây.

  Để tiếp tục hai bên triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong thời gian tới cần sự trợ giúp về vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; phổ biến kinh nghiệm làm ăn giỏi, giúp cho hội viên biết cách làm ăn, biết cách sử dụng hiệu quả đồng vốn vay từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Về trách nhiệm Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát; chỉ đạo nâng cao chất lượng Tổ TK&VV, sử dụng đồng vốn các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội có hiệu quả, vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm đạt chỉ tiêu, giảm tỷ lệ nợ quá hạn; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương xét đề nghị xử lý những rủi ro do nguyên nhân khách quan kịp thời./.


Các tin khác

Lượt truy cập

835590