Trong năm 2017, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, Hội Nông dân các cấp cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, hội viên, nông dân và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, công tác dư luận xã hội năm 2017 đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể: Hội Nông dân các cấp, thành viên tổ dư luận xã hội thực hiện nghiêm túc Kết luận 100 của Ban Bí thư và Hướng dẫn 167 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, thực hiện tốt Quy chế hoạt động của cộng tác viên dư luận xã hội. Từng thành viên cộng tác viên dư luận xã hội nâng cao chất lượng nắm bắt, tập hợp, phản ánh tình hình dư luận và định hướng dư luận xã hội; hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội trong hệ thống Hội Nông dân đã từng bước đi vào nề nếp, bằng nhiều hình thức như: nắm bắt thông tin thông qua các buổi giao ban định kỳ của Hội, qua báo cáo, phản ánh thông tin dư luận bằng văn bản theo quy định, phản ánh nhanh qua điện thoại, email...
Việc nắm bắt, tập hợp, phản ánh nhanh tình hình dư luận và định hướng dư luận xã hội của các đơn vị tăng về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên. Nhiều báo cáo đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị kịp thời, giúp lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội kịp thời. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về dư luận xã hội đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ đề ra, nội dung tập huấn thiết thực và phù hợp đối tượng cán bộ Hội ở cơ sở. Tuy nhiên, đa số các đơn vị báo cáo chậm so với thời gian quy định, phải điện thoại nhắc nhở; một số nội dung trong báo cáo còn chung chung, không có địa chỉ rõ ràng nơi diễn ra dư luận… chưa nhiều đề xuất, giải pháp kiến nghị để giải quyết các vấn đề nóng.
Một số định hướng nắm bắt dư luận xã hội trong thời gian tới: Một là, nâng cao nhận thức về vai trò công tác nắm bắt dư luận xã hội để phản ánh, nắm bắt sát thực nhất những vấn đề liên quan đến hội viên, nông dân, tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân. Khi triển các dự án về kinh tế - xã hội, cần nắm bắt dư luận trước, trong và sau khi triển khai một cách cụ thể; Hai là, trong công tác nắm bắt dư luận xã hội phải có đầu tư, biện pháp để định hướng phản bác lại các dư luận tiêu cực, tạo dư luận tích cực, tham gia đấu tranh chống thông tin sai lệch, quan điểm sai trái; nắm bắt dư luận xã hội với các đối tượng đặc thù…Trong công tác điều tra phải nghe nhiều ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều...Ba là, chủ động nắm bắt, tổng hợp, phản ánh tình hình dư luận xã hội, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm của nhân dân, nhất là các vấn đề có liên quan đến đời sống, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai liên quan đến hội viên, nông dân để kịp thời tham mưu đề xuất với cấp ủy và lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương giải quyết kịp thời, không để hình thành các điểm nóng; Bốn là, các trọng tâm cần đi sâu nắm bắt, phản ánh là: các ngày lễ lớn trong năm; việc quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng, của Trung ương Đảng (khóa XII), nhất là việc quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết của Trung ương; các kỳ họp Quốc hội và các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp; những vấn đề nóng, vụ việc bức xúc, nổi cộm; Năm là, làm công tác nắm bắt dư luận xã hội phải hết sức tỉnh táo để dự báo tốt và tham mưu sát, đúng, trúng vấn đề cho lãnh đạo, từ đó phục vụ thiết thực công tác lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền địa phương, tạo được niềm tin trong hội viên, nông dân./.