TIN MỚI

Mùa kiệu quê tôi

Mời bạn một lần ghé về quê hương tôi Sơn Mỹ. Một vùng đất nắng và gió nhưng giàu lòng mến khách, một vùng đất được hình thành qua bàn tay lao động cần cù của người nông dân một nắng hai sương lam lũ với rẫy nương, một vùng đất mới mấy năm gần đây thôi biết nắm bắt khoa học kỹ thuật mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành một vùng chuyên canh cây củ kiệu, làm đổi thay cuộc sống của người nông dân thôn 3, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Nếu bạn có về đây trong khoảng thời gian này sẽ được Hội Nông dân xã đưa bạn đi tham quan vùng chuyên canh cây củ kiệu để thấy người thật việc thật và những mầm xanh đang vươn lên từng ngày.

Hội thảo đầu bờ mô hình trồng kiệu ở Sơn Mỹ

Cây củ kiệu đã đã bám rễ trên vùng đất Sơn Mỹ khoảng hơn mười năm trở lại đây, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ và nông dân, tranh thủ lúc nông nhàn, công việc của gia đình tạm gác lại để theo mùa kiệu, ngày ngày phơi mình trên những luống kiệu có tiền trang trãi sinh hoạt gia đình, đóng học phí cho con em đến trường...

Lúc đầu sản xuất củ kiệu ở địa bàn xã mang tính tự phát, không tập trung. Năm 2010, Hội Nông dân xã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật,  phối hợp công ty Vũ Lâm xanh dạy nghề trồng rau an toàn cho các hộ trồng kiệu, bên cạnh đó Hội vận động thành lập một tổ hợp tác sản xuất củ kiệu Sơn Mỹ có 15 thành viên, vì vậy việc sản xuất củ kiệu đi vào nề nếp hơn, truyền đạt cho nhau kinh nghiệm sản xuất. Không dừng lại ở đó, năm 2017 Hội  Nông dân xã mạnh dạn thành lập một tổ hội nghề nghiệp có 25 hội viên tham gia, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Mông thôn huyện, trạm KN, trạm Bảo vệ thực vật huyện đầu tư triển khai mô hình khuyến nông trồng củ kiệu với quy mô 1000m2 ( hỗ trợ 100% giống và vật tư) để bà con học tập, đến thời điểm thu hoạch tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, năng suất bình quân 12 tấn/ha, lãi 300 triệu/ha.

Nông dân ham học hỏi, vận dụng sáng tạo trong cách làm, sản xuất tập trung, thời tiết thuận lợi nên 4 năm qua thương lái về tận ruộng thu mua, giá cả thỏa thuận tạo sự phấn khởi cho bà con trồng kiệu.

Thời điểm gieo trồng bắt đầu từ tháng 8 hàng năm, sau khi làm một vụ lúa xong là chuyển qua làm đất chuẩn bị cho vụ kiệu, ước tính diện tích vùng đất này gieo trồng hàng năm khoảng 30 ha, để tăng sản lượng hàng năm, nông dân thôn 3 thuê thêm đất của các thôn khác trong xã và ngoài xã  khoảng 25 ha, tổng số là 55 ha với lượng giống để gieo trồng là 65 - 70 tấn, giá giống từ 50.000 - 56.000 đồng/kg.

Đến nơi đây bạn sẽ thấy những vùng kiệu và màu xanh mơn mởn của lá kiệu đang rập rờn trong gió, bạn mới cảm nhận được mùi hăng hăng của hương kiệu và sự vất vả gian lao của người nông dân làm kiệu. Làm kiệu là phải có rơm, nguồn rơm có hộ tự sản xuất, nhưng phần lớn là phải mua của các địa phương khác để rãi che đậy cho giai đoạn mới trồng giữ độ ẩm và tránh xói lỡ luống kiệu. Nếu thời tiết thuận lợi thì tốt, gặp lúc xuống giống xong bị hạn hán, phải đi tìm nguồn nước tưới tiêu cho củ kiệu ra rể để có sức vươn lên. Nguồn phân bón cho cây kiệu củng phải được chuẩn bị từ trước, phần lớn được sử dụng là phân chuồng được ủ hoai mục với chế phẩm Tricoderma, các phân vô cơ để giúp bộ rễ phát triển nhanh và ổn định trên đồng ruộng.

Mùa thu hoạch củ kiệu trong khoảng tháng 11 hoặc tháng 12 ( âm lịch), để những chuyến xe rong rũi cung cấp kiệu đón tết khắp các tỉnh, thành miển Nam cho bà con khắp nẽo gần xa có món kiệu nhâm nha trong những ngày tết cổ truyền dân tộc.

Viết những dòng cảm nhận này từ vùng đất Sơn Mỹ yêu thương, cũng mong bạn đọc gần xa đón nhận và chia sẽ, cũng là tâm huyết của người con Sơn Mỹ nói lên cảm nghỉ của người nông dân đang chung tay xây dựng nông thôn mới. Cảm ơn Hội Nông dân xã đã đồng hành chung tay chia sẽ với bà con trồng kiệu xã nhà suốt nhiều năm qua để uy tín, chất lượng củ kiệu Sơn Mỹ được biết đến khắp nẽo đường quê hương ./.


Các tin khác

Lượt truy cập

860719