Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân hiện nay rất bức thiết đối với mỗi cấp, từng cán bộ Hội của chúng ta để phục vụ theo yêu cầu đòi hỏi của nông dân, bởi tổ chức Hội và cán bộ là nơi dựa, là niềm tin của nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, với chính quyền, là nhịp cầu tiếp nhận, chuyển giao các chương trình, dự án, hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ, dạy nghề giữa các tổ chức, doanh nghiệp đến với sản xuất và đời sống của nông dân. Nhiệm vụ của Hội chúng ta phải đề ra giải pháp, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống thực tiễn; xứng đáng vai trò trung tâm, nồng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vậy, trong tình hình hiện nay chúng ta phải làm gì?
Mục tiêu của Hội phải tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân vào Hội để triển khai, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, làm tròn trách nhiệm của công dân; nhưng hiện nay không thể vận động chung chung và nói suông mà phải có nội dung cụ thể như: Hướng dẫn, tổ chức liên kết sản xuất, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh có hiệu quả; hướng dẫn ăn, ở hợp vệ sinh; tư vấn học nghề; tư vấn pháp luật; hỗ trợ vốn; tập huấn chuyển giao ứng dụng KHCN; xây dựng mô hình SXKD an toàn hiệu quả; tư vấn giá cả thị trường tiêu thụ; hỗ trợ máy móc, vật tư, dạy nghề… xây dựng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau; bảo vệ an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; phòng chống dịch bệnh ở người, vật nuôi, cây trồng; xây dựng nông thôn mới; đóng góp các cuộc vận động xã hội; phản ánh kiến nghị những tâm tư, bức xúc; giám sát góp ý xây dựng các Nghị quyết của Đảng, các chính sách của Chính quyền, góp ý xây dựng cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh…
Chúng ta luôn cần suy nghĩ những nội dung sát với nhu cầu đời sống thiết thực của nông dân; xem nội dung nào Hội làm, nội dung cần đề nghị Chính quyền, các ngành hỗ trợ và liên kết phối hợp; đưa vào sinh hoạt, bàn bạc dân chủ tại buổi sinh hoạt, tại nơi SXKD của hội viên, nông dân.
Đã có nội dung thì hình thức tập hợp sinh hoạt rất quan trọng, chúng ta phải đa dạng hóa nhất là xây dựng các tổ nghề nghiệp như: tổ LDVV, TKVV, tổ (nhóm) thanh long VietGAP, tổ hợp tác (cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, hải sản), tổ NDSXKDG, giảm nghèo, làm giàu; tổ BVMT; các câu lạc bộ NDSXKDG, khuyến nông, Nông dân với pháp luật… Trong kinh tế, lấy mô hình nông dân thực hiện có hiệu quả cho nông dân, sinh hoạt học tập kinh nghiệm; đồng thời học tập kinh nghiệm trên báo, đài, tạp chí và tham quan thực tế; thường xuyên biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình nông dân như: “làm theo” tấm gương, đạo đức Bác Hồ; “ánh sáng nông thôn văn minh, an ninh trật tự”, “sản xuất thanh long bền vững”; “trồng cây bảo vệ môi trường”…; phát huy sức sáng tạo của nông dân.
Điều đặc biệt quan trọng là để thực hiện nội dung, phương thức hoạt động, người cán bộ Hội phải có trình độ, phẩm chất, đạo đức tốt và phải có năng lực tư duy, năng lực tổ chức thực hiện, phải nhiệt tình, năng động, sáng tạo với tâm huyết vì bà con nông dân, có ý chí quyết tâm thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, tranh thủ phối hợp các ngành, liên kết các doanh nghiệp, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong địa bàn trong tỉnh, trong và ngoài nước; tham gia công tác đối ngoại nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động và các phong trào thi đua trong nông dân phát triển bền vững./.