Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong hệ thống Hội các cấp trong tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn nhằm xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Qua hơn 05 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, các cấp Hội trong tỉnh đã xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong phối hợp xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, từ đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, hội viên, nông dân về ý nghĩa, mục đích và vai trò chủ thể của nông dân trong việc nhân rộng mô hình kinh tế tập thể; nắm tình hình địa bàn, tình hình sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tham gia kinh tế tập thể. Tính đến 30/5/2018, có 167 mô hình tổ hợp tác (THT), 25 hợp tác xã (HTX) trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh vật tư nông nghiệp do Hội Nông dân các cấp trực tiếp hướng dẫn thành lập và được xây dựng, nhân rộng đều khắp 96 xã/96 xã nông thôn.
Nhiều nội dung hoạt động được Hội Nông dân các cấp trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động, như: tổ chức 8.792 lớp tập huấn, hội thảo, ứng dụng các mô hình, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, đánh bắt, bảo quản sản phẩm, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm… cho 571.483 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; tổ chức 03 bồi dưỡng kiến thức về kinh tế hợp tác cho cán bộ quản lý, theo dõi hợp tác xã, tổ hợp tác thuộc Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở; tổ trưởng, tổ phó tổ hợp tác do Hội Nông dân thành lập; tạo điều kiện cho 112/192 mô hình được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT, nguồn vốn Ngân hành chính sách xã hội, nguồn vốn của Liên minh Hợp tác xã tỉnh với số tiền hơn 25 tỷ đồng; tổ chức các đoàn cán bộ Hội, hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân tại địa phương, điển hình như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo chương trình “liên kết 4 nhà” HTX nông nghiệp dịch vụ xã Gia An, Tổ liên kết sản xuất chăn nuôi bò xã Gia Huynh - Tánh Linh, mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây mãng cầu xã Sông Bình, chăn nuôi bò sinh sản xã Hòa Thắng - Bắc Bình; HTX thanh long Quốc Cường xã Thuận Quý - Hàm Thuận Nam; HTX nuôi trồng nấm Phúc Thịnh xã Tiến Lợi - Phan Thiết; HTX giống lúa nếp Công Thành xã Đức Chính, THT phát triển cây tiêu xã Đông Hà - Đức Linh; Tổ liên kết sản xuất rau an toàn thị trấn Phú Long - Hàm Thuận Bắc... Thu nhập của từng thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng tăng; các thành viên đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất, đời sống, chia sẻ, giúp đỡ các hộ gia đình còn khó khăn cùng vươn lên. Song, không ít tổ hợp tác sau khi thành lập không duy trì được hoạt động hoặc có hoạt động nhưng hiệu quả không cao; nguyên nhân chủ yếu là do chưa xây dựng được một phương án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao; thiếu vốn đầu tư; năng lực quản lý, điều hành của tổ trưởng, tổ phó còn nhiều hạn chế.
Nhằm tiếp tục vận động xây dựng và củng cố, nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp hướng dẫn thành lập; trong thời gian đến, các cấp Hội trong tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong hội viên, nông dân về vai trò, vị trí và tác động của thành phần kinh tế tập thể đối với sự phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại của nông dân; làm cho hội viên, nông dân hiểu kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã và tổ hợp tác là một tổ chức tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi do những người lao động, các hộ gia đình, các doanh nghiệp tự nguyện liên kết lại với nhau để đáp ứng các nhu cầu chung về kinh tế, xã hội và văn hoá của các thành viên; tham gia kinh tế tập thể để hạ thấp chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế của các thành viên…từ đó vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với từng địa phương, địa bàn. Tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn vay, được hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, học nghề để đáp ứng nhu cầu của hội viên, nông dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, phối hợp các ngành hướng dẫn, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể duy trì hoạt động và hoạt động có hiệu quả.