TIN MỚI

Nhìn lại 10 năm phối hợp đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Bình Thuận (2006-2016)

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của người nông dân trong tỉnh đã có sự chuyển dịch cơ cấu đúng hướng theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn đặt ra cần giải quyết đó là việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế. Song, để góp phần giúp việc sản xuất nông nghiệp của hội viên, nông dân thích ứng với điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu; Hội Nông dân tỉnh đã xác định: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu qủa hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, tập thể, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới. 

Lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Bắc Bình

Cụ thể, thực hiện Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào nội dung của các Chương trình phối hợp Giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học công nghệ, với Bộ Nông nghiệp & PTNT; Hội Nông dân Bình Thuận đã ký kết các chương trình phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh về hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân theo từng giai đoạn 5 năm một. Và theo đó chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố và từng ban chuyên môn của tỉnh Hội chủ động phối hợp với các Trung tâm, đơn vị, tổ chức, Chi cục, trạm… liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ để vận động, khuyến cáo hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Và trong khuôn khổ Chương trình phối hợp, một số huyện đã chủ động sáng tạo trong phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất vật tư phân bón, các tổ chức khoa học công nghệ để tranh thủ được nhiều sự hỗ trợ về kinh phí và mô hình khoa học công nghệ giúp hội viên, nông dân xây dựng các mô hình trình diễn từ đó nhân rộng ứng dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Trong 10 năm, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức cho 222 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia nhiều đợt học tập, nghiên cứu các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất tại các tỉnh Đông - Tây - Nam Bộ; mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre; mô hình trồng cây công nghiệp ở tỉnh Đắc Nông, Buôn Mê Thuột; khu liên hợp xử lý, tái chế rác thải thành phân compost tại thị xã Bến Cát; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; tổ hợp tác trồng rau theo quy trình VietGAP tại xã Nhuận Đức, mô hình trồng hoa lan tại ấp Cây Da, xã Tân Phú, huyện Củ Chi; Hợp tác xã trồng bưởi da xanh của xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang... Đặc biệt đã cử 01 cán bộ Hội Nông dân tỉnh và 01 hội viên nông dân là chủ trang trại tham gia với đoàn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đi học tập mô hình chăn nuôi ở Cộng hòa Dân chủ Đức.

Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: Phối hợp và trực tiếp tập huấn, hội thảo chuyển giao KHCN, đào tạo dạy nghề cho 706.042 lượt hội viên, nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, đánh bắt, bảo quản sản phẩm, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng rau mầm, thủy canh, chế biến nước mắm; trồng rau thủy canh; tập huấn lớp nông nghiệp công nghệ cao; kỹ thuật trồng và chăm sóc lan mokara thương phẩm; kỹ thuật sản xuất nước uống lên men trái cây quy mô hộ gia đình; hướng dẫn sử dụng hợp lý phân bón giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất nông sản; Ứng dụng chế phẩm Lipomycin-M giúp giữ ẩm cho đất, hạn chế lượng nước tưới; kỹ thuật trồng hành cho năng suất cao; ứng dụng công nghệ mới trong thu hoạch và bảo quản nông sản, thủy sản; nuôi heo rừng; kỹ thuật nuôi ong lấy mật; kỹ thuật trồng sen, cây đinh lăng lấy củ phục vụ công việc chữa bệnh...; và các nghề về trồng và chăm sóc cây cảnh, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, trồng và chăm sóc cây thanh long, trồng rau an toàn, chăn nuôi heo, gia cầm, thuyền trưởng hạng 4, máy trưởng hạng 4, thuyền trưởng hạng 5, máy trưởng hạng 5, tin học văn;

Phối hợp chuyển giao được 32 đề tài/dự án áp dụng tiến bộ bộ kỹ thuật nông nghiệp với 112 hộ hội viên, nông dân tham gia thực hiện mô hình. Trong đó, có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao và được nhân rộng tại địa phương như mô hình: Hệ thống tưới phun tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; trồng rau trên đất cát có tầng giữ ẩm nhân tạo; trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp tưới phun tiết kiệm nước; chăn nuôi heo trên đệm lót lên men; liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm; sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên lúa...; hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do tỉnh,  Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Kết quả có 23 giải pháp đã lựa chọn và trao giải; trong đó, hội thi Trung ương Hội tổ chức có 03 giải nhì và 02 giải đạt khuyến khích, hội thi tỉnh tổ chức có 03 giải 03 và 04 giải khuyến khích;

Phối hợp chuyển giao và thành lập được nhiều mô hình/tổ ứng dụng KHCN phù hợp điều kiện đặc thù và lợi thế của từng xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã và thành phố như các tổ: Nông dân sản xuất muối trải bạt, nông dân phát triển cây nho, Nông dân phát triển trồng lúa nguyên chủng; kinh tế có hiệu quả trong sản xuất hoa màu, nông dân sản xuất rau an toàn, sản xuất chuyên canh kết hợp chăn nuôi bò, sản xuất giống lúa xác nhận, sản xuất rau sạch, sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao; liên kết sản xuất thanh long VietGAP, liên kết sản xuất rau an toàn; đoàn kết chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, hợp tác trồng lan và cây cảnh, hợp tác chăn nuôi bò sinh sản; hợp tác phát triển cây tiêu, hợp tác chăm sóc lúa nước, hợp tác nhân giống lúa xác nhận, hợp tác phát triển cây ăn quả kết hơp nuôi dông. Và đặc biệt đã giúp các hộ nông dân nuôi dông tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình xây dựng thương hiệu “con dông khu Lê”. Riêng đối với cây thanh long, tính đến cuối tháng 6/2015, toàn tỉnh có 411 tổ/nhóm với 9.085 hộ nông dân với 8.357 ha thanh long được công nhận đạt VietGAP;

Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tổ chức sản xuất và phát sóng hàng chục chương trình về những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân điển hình tiên tiến, gương cán bộ, hội viên nông dân đạt có các giải pháp đạt giải tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật do trung ương Hội hoặc tỉnh tổ chức định kỳ 02 năm một lần trong chuyên mục “Bạn Nhà nông”. Đưa tin, bài  trên Bản tin công tác Hội, Báo địa phương và bản tin công tác Tuyên giáo của Tỉnh uỷ về những gương điển hình và những mô hình áp dụng khoa học công nghệ mới đạt hiệu quả. Cùng với phương pháp tuyên truyền miệng, bản tin Nông dân Bình Thuận (năm 02 kỳ và mỗi kỳ từ 700 – 1.000 cuốn) và trang website Hội Nông dân tỉnh là đều có nội dung KHCN để cơ sở Hội dùng làm tài liệu phục vụ sinh hoạt th­ường kỳ của các chi, tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh cử cán bộ cơ quan là kỹ sư chuyên ngành chăn nuôi – thú y tham gia các buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài, đề án, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ cấp cấp tỉnh; phản biện các đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ làm chủ nhiệm. Đồng thời, cử 01 lãnh đạo tham gia Hội đồng đánh giá, phản biện các giải pháp sáng tạo kỹ thuật và 01 chuyên viên tham gia Tổ thư ký Hội thi sáng tạo kỹ thuật do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức 02 năm/lần. 10/10 Hội Nông dân cấp huyện, thị xã, thành phố thực hiện phân công 01 cán bộ theo dõi công tác khoa học và công nghệ.

Có thể khẳng định công tác hoạt động khoa học công nghệ của Hội Nông dân sau 10 năm thực hiện chương trình phối hợp đã mang lại những hiệu quả xã hội thiết thực. Thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, xây dựng các mô hình/tổ ứng dụng và chuyển giao KHCN cho nông dân, đã từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, tự phát của người nông dân, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa; nông dân đã biết liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ. Các dự án thành công đã thu hút hàng trăm lao động nông thôn có việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định, góp phần vào việc phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống cho nông dân.

Chương trình phối hợp đã giúp cho nông dân tăng cường kiến thức, năng lực ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông sản hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, qua đó từng bước đã giảm nhiều việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý; việc nông dân ý thức và tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh góp phần làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp.


Các tin khác

Lượt truy cập

861017