TIN MỚI

Tiếp tục xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Đề án số 24-ĐA/HNDTW, ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp có nêu: việc xây dựng tổ chức cơ sở Hội cơ bản thực hiện theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; tổ chức Hội trong các đơn vị kinh tế nông, lâm trường, hợp tác xã còn hạn chế; về tổ chức cơ sở, khó khăn lớn nhất và phổ biến hiện nay là số hội viên trong các chi hội đông (nhiều cơ sở không thực hiện việc chia tách thành các tổ hội), nên hội viên không có nơi để sinh hoạt, hội họp, khó khăn trong việc tập hợp, hoạt động; trong cùng một thôn, ấp, xóm, bản, làng, buôn, sóc… hội viên nông dân lại sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, do vậy tổ chức chi hội, tổ hội như hiện nay khó xây dựng được nội dung sinh hoạt phù hợp với tất cả hội viên trong cùng một chi hội, tổ hội; việc sinh hoạt chung trong chi hội, tổ hội thường không thiết thực, hiệu quả thấp. Vì vậy việc đổi mới mô hình tổ chức chi hội, tổ hội, chủ trương xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp là yêu cầu rất cần thiết từ thực tiễn hiện nay. Thông qua đó sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt Hội ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi hội, tổ hội. Tạo tiền đề nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh.

Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW, các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đạt được một số kết quả. Tháng 8 năm 2016, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 146-KH/HNDT, trong đó chọn 03/10 địa phương (Hội Nông dân huyện Hàm Tân, Đức Linh và thành phố Phan Thiết) để triển khai xây dựng điểm 03 tổ hội nghề nghiệp và 03 chi hội nghề nghiệp; đồng thời chỉ đạo 07/10 địa phương còn lại tùy theo tình hình thực tế ở địa phương, tự khảo sát, lựa chọn Hội Nông dân cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp điểm của huyện. Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 19 tổ hội nghề nghiệp và 15 chi hội nghề nghiệp theo cùng nhóm nghề với gần 1.000 hội viên tham gia. Điển hình một số nghề như: trồng cây nho; trồng, sản xuất mủ trôm; trồng thanh long theo tiêu chuẩn Vietgap; trồng rau an toàn; sản xuất Muối; đánh bắt hải sản; sản xuất bánh tráng; chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp;...). Các chi, tổ hội nghề nghiệp sau khi thành lập đã có nhiều thuận lợi hơn trong việc tổ chức sinh hoạt chi, tổ hội; nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực hơn. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến hội viên nông dân, các hội viên đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cho nhau những vấn đề liên quan đến sản xuất, chăn nuôi như: tình hình thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây con, về phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất,... giúp cho hội viên nông dân tham gia sinh hoạt chi, tổ hội nắm bắt nhiều thông tin, có nhiều kinh nghiệm, sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra chỉ tiêu cụ thể: phấn đấu trong nhiệm kỳ có trên 90% cơ sở Hội có chi, tổ Hội nghề nghiệp. Để đạt được chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, các cấp Hội trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu rộng về mục đích của việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp trong cán bộ, hội viên, nông dân; để cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ “Việc từng bước đổi mới mô hình chi hội, tổ hội được hình thành trên cơ sở cộng đồng dân cư nông nghiệp, nông thôn sang mô hình tổ chức chi hội, tổ hội nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên vì có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chính là giải pháp cụ thể, chủ động, tự thân bảo vệ hội viên nông dân trong môi trường cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế (Đề án 24-ĐA/HNDTW)”; từ đó có kế hoạch cụ thể để khảo sát, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi cơ sở.

Theo Kế hoạch, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo việc tổ chức sơ kết hoạt động của các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp đã thành lập để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng mô hình tại các cơ sở Hội./.

Một số hình ảnh tham gia tổ hội nghề nghiệp.

 

Ngọc Thảo - HND


Các tin khác

Lượt truy cập

860459