Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 với nhiều điểm mới, là bước ngoặt đối với ngành thủy sản nước ta, nhằm chuyển hướng từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Luật Thủy sản năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tiếp cận vào hệ sinh thái, có nhiều nội dung mới, như: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đăng ký đối với việc nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ lực, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, cấp hạn ngạch trong khai thác thủy sản, xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá, quy định về kiểm ngư (có kiểm ngư Trung ương và kiểm ngư của các tỉnh, thành phố có biển), quy định của pháp luật quốc tế và nhất là quy định sửa đổi quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong lĩnh vực thủy sản. Đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Vì vậy, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản, các văn bản dưới luật có liên quan cho chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho ngư dân.
Ông Nguyễn Minh Quang - Trưởng phòng quản lý nghề cá Chi cục Thủy sản Bình Thuận đang phổ biến các văn bản có liên quan đến Luật Thủy sản.
Thông qua tuyên truyền nên ngư dân khai thác hải sản xa bờ đều nắm rõ, tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản, như: Ghi nhật ký khai thác hải sản để truy xuất nguồn gốc thủy sản; quản lý tàu cá theo hạn ngạch... Ngư dân có tàu cá công suất lớn khai thác hải sản tuân thủ quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình rất nghiêm túc.
Qua buổi tuyên truyền, phổ biến Luật đã giúp cho hội viên, nông - ngư dân nắm được các nội dung mới của bộ Luật Thủy sản và các văn bản có liên quan (sống và làm việc theo pháp luật)./.
Võ Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hải