TIN MỚI

Vai trò của Hội Nông dân tham gia tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất thanh long bền vững (VietGAP)

  • KTXH
  • /
  • 25.3.2021 - 15:2

Hiện nay, có hơn 70% số hộ trong toàn tỉnh là nông dân, với 153.734 hội viên, chiếm 108% so tổng số hộ nông dân; Hội Nông dân tỉnh luôn xác định và phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là: Tuyên truyền, vận động, kết hợp chặt chẽ với chăm lo thiết thực đến sản xuất và đời sống của nông dân; nhất là, phát huy vai trò trách nhiệm của Hội trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từ đó đã tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền và vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả.

Thời gian qua các cấp Hội tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, qua đó đã tăng cường mối quan hệ và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện các phong trào. Đã chỉ đạo phối hợp tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, ổn định cuộc sống. Hàng năm, phối hợp các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên, nông dân; phối hợp Ngân hàng tạo vốn; xây dựng các mô hình tổ chức hợp tác sản xuất và mở các lớp dạy nghề; đẩy mạnh phong trào thi đua của Hội, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các phong trào thi đua của Hội tiếp tục được phát triển sâu rộng và được nâng cao về chất, có sức lan tỏa góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện, số hộ giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm; giai cấp nông dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới.

Hiện nay, với yêu cầu của thị trường về chất lượng hàng hóa nông sản và an toàn thực phẩm ngày càng cao; do vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận, tăng thu nhập của nông dân, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận thì việc phát triển sản xuất thanh long theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, bền vững. Nắm được xu thế này, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vận động, tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ chính sách phát triển cây thanh long bền vững, hướng cho nông dân tập trung sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Công tác tuyên truyền vận động nông dân chú trọng đến việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP; công tác phối hợp chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây thanh long được các cấp Hội chú trọng triển khai thực hiện.  Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với nhiều doanh nghiệp để cung ứng vật tư, hỗ trợ lãi xuất, bán trả chậm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư… giúp cho người nông dân trồng thanh long có nhiều cơ hội đầu tư hơn. Điển hình là Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đưa ứng dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng kích thích thanh long ra hoa trái vụ, giúp người nông dân tiết kiệm điện, giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với Công ty Enzyma triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trên cây thanh long; ký kết với các công ty phân bón thực hiện một số mô hình trình diễn về sử dụng phân bón hữu cơ sinh học. Đồng thời, Hội tổ chức cho nông dân tham quan, học tập các mô hình điểm, mô hình sản xuất thanh long mới, hiệu qua trong và ngoài địa phương;…

Nhiều công ty, doanh nghiệp, sở, ngành, nhà khoa học đã phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức nhiều buổi tọa đàm trực tiếp với nông dân về quy trình sản xuất, ứng dụng KHCN mới, từ đó trang bị nhiều kiến thức cho nông dân trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm cây thanh long.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mức độ triển khai sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Quy mô ruộng đất còn manh mún, phương thức và công cụ sản xuất tiên tiến chưa phổ biến, kỹ thuật thâm canh áp dụng chưa đồng bộ và chưa đồng đều. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất thanh long tiêu chuẩn sạch, an toàn (VietGAP) do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Sản xuất nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn sạch, an toàn (VietGAP) được chú trọng nhưng việc duy trì gặp nhiều khó khăn (giá cả thanh long giữa những hộ sản xuất theo VietGAP và các hộ sản xuất không theo VietGAP chưa có sự chênh lệch rõ nét vì thị  trường Trung Quốc tiêu thụ dễ dàng).

Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức và tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân về chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển thanh long bền vững.

Tăng cường chỉ đạo các cấp Hội làm tốt hơn nữa công tác tư vấn, nhằm giúp cho người trồng thanh long cũng như các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh phải tập làm quen với việc sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, như vậy mới có được sản phẩm an toàn, đảm bảo về chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất.

Tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn thành lập các Tổ Hợp tác, Hợp tác xã Thanh long gắn với xây dựng chuỗi giá trị và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

KTXH


Các tin khác

Lượt truy cập

859023