Những năm qua, Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận và các cấp Hội địa phương thường xuyên xây dựng, triển khai các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào này được phát triển sâu, rộng trên toàn tỉnh và có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn và đã đạt được những kết quả to lớn, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất vươn lên làm giàu và giúp các hộ khó khăn thoát nghèo. Trong phong trào đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, lợi thế…để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Nhờ vậy, đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Sau 5 năm phát động, toàn tỉnh Bình Thuận có 99.750 hộ hội viên nông dân đăng ký tham gia phong trào này và số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 63.630 người. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, chịu khó học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, có thu nhập cao, vươn lên làm giàu. Điển hình như hộ ông Nguyễn Anh Đức ở xã Đức Bình, huyện Tánh Linh. Ông là một trong những người đi đầu trong thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sinh học, tạo ra gạo sạch, đạt chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng. Trồng lúa theo phương pháp này năng suất đạt không cao nhưng nhờ giá trị giá tăng mà nó tạo ra đã giúp gia đình ông Đức thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt cao hơn so với trồng lúa thông thường từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Các năm qua, ông còn vận động các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Bình tham gia trồng lúa sinh học với 15 ha, kết hợp với sản xuất gạo sạch và đã được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận cấp chứng nhận gạo sạch; hộ ông Trương Hoài Phong ở xã Tân Hải, thị xã La Gi. Hiện, anh Phong sở hữu 3 ao nuôi cá lóc bông với diện tích 15.000m vuông. Hàng năm, thu hoạch hơn 100 tấn cá thương phẩm, trị giá hơn 6 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất anh thu lãi 1,5 tỷ đồng; đầu tư trồng hơn 2 ha thanh long sản xuất thanh long đạt chuẩn VietGAP, anh tận dụng nguồn phân hữu cơ từ đáy ao nuôi cá lóc để bón cho vườn thanh long đã giúp anh giảm giá thành sản xuất nên năm 2019 anh vẫn thu lãi từ vườn thanh long này gần 300 triệu đồng; hộ ông Huỳnh Văn Long hội viên nông dân xã Sông Bình, huyện Bắc Bình trồng 4,5 ha xoài Cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan đã vận động nông dân địa phương thành lập Hợp tác xã Nông sản ViệtGAP Sông Bình để liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho các loại trái cây. Hợp tác xã có 13 thành viên với diện tich cây ăn trái là 53ha, trong đó có 40ha xoài, 13 ha mít Thái và bưởi Da xanh; mô hình sản xuất rau thủy canh công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Thanh Hòa ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh là một thí dụ điển hình. Năm 2018, chị đầu tư gần 300 triệu đồng lắp đặt 300m vuông nhà màng và các thiết bị khác để sản xuất rau thủy. Sau mấy đợt trồng rau theo hướng này, chị nhận thấy năng suất rau đạt cao, thu lãi khá và ít tốn công chăm sóc. Vì vậy, chị tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất này lên 600m vuông. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chỉ thu hoạch từ 60 đến 70kg rau các loại, có nguồn thu từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất chị thu lãi gần 1 triệu đồng/ngày. Hiện nay, ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh còn có 6 hộ khác phối hợp với chị Hòa thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Tiến Phát với diện tích 2.000m vuông để cung cấp nguồn rau chất lượng cao cho người dân trong vùng; thanh long là sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận, nhiều năm trước loại cây này đã giúp nông dân làm giàu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, hộ trồng thường lâm vào cảnh thua lỗ vì giá thấp. Nhận thấy việc tiêu thụ thanh long phụ thuộc quá lớn vào thị trường các nước lân cận và thường rơi vào “Điệp khúc được mùa thì mất giá” nên một nhóm nông dân ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc thành lập Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến vào đầu năm 2017 do ông Trần Đình Trung làm Giám đốc, để liên kết sản xuất thanh long đạt chất lượng cao, có đầu ra ổn định. Hợp tác xã này có 11 thành viên với tổng diện tích thanh long là 24,4 ha. Hơn 3 năm qua, nhờ sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn Global GAP và được các đối tác ký kết hợp đồng thu mua ổn định với mức giá cao để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… nên các thành viên của Hợp tác xã yên tâm với hướng làm ăn này...
Từ các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu được Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng. Trong 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã tặng 03 Bằng khen, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng 01 Cờ thi đua nhiệm kỳ 2013 - 2018 và tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 20 cá nhân, tặng thưởng 387 kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”, 02 cá nhân được tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” 01 cá nhân tôn vinh “Tôi là nông dân 4.0”. UBND tỉnh tặng 01 cờ thi đua, 31 Bằng khen.
Đồng chí Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương những thành tích xuất sắc mà giai cấp nông dân và các cấp Hội trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cùng với các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, gắn phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể. Coi trọng công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua, giúp cho hội viên nông dân hiểu được thi đua yêu nước bằng những việc làm gắn với đời sống hàng ngày như tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh, nghĩa tình...
Cùng với đó, kịp thời phát hiện, nhân rộng, nêu gương người tốt, việc tốt, khen thưởng các điển hình tiên tiến. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát động phong trào nông dân thi đua yêu nước giai đoạn 2020 – 2025 ngày càng phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống của nông dân. Phát huy vai trò trung tâm nòng cốt của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, tập trung vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã khen thưởng cho 15 tập thể, 38 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Văn Năm