Phóng viên: Ông có thể cho biết, trong những năm qua đảng viên là hội viên nông dân đã thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu trong thực hiện các phong trào ở địa phương như thế nào?
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Hiện nay, toàn tỉnh có 152.545 hội viên hội nông dân, đang sinh hoạt tại 731 chi hội/124 cơ sở hội thuộc 10 huyện, thị, thành hội. Tổng số hội viên là đảng viên 4.649, chiếm 3,0% so với tổng số hội viên. Ý thức được trách nhiệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhiều đảng viên là hội viên đã không ngần ngại đi đầu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: cụ thể có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, tạo sự lan tỏa lớn trong hội viên như: hiến cây, hiến đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ, giúp đỡ về vốn đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế, hỗ trợ thôn, xóm xây dựng nông thôn mới. Từ sự gương mẫu, đi đầu của các hội viên đã khiến nhân dân tin tưởng và hưởng ứng làm theo bằng những việc làm thiết thực, góp phần để phong trào toàn dân tham gia xây dựng NTM có sức lan tỏa với khí thế ngày càng cao đồng thời các cấp hội đã vận động các hộ khá, giàu; hộ sản xuất-kinh doanh giỏi giúp đỡ cho hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo vượt khó vươn lên góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống 1,92%.
Qua thực tiễn phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy, sự nêu gương của hội viên là đảng viên không chỉ tạo phong trào thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành các tiêu chí mà còn có ý nghĩa củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Để có được kết quả như vậy, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân thì sự đóng góp của hội viên là đảng viên rất lớn.
Phóng viên: Với những kết quả như vậy, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển đảng viên là nông dân trên địa bàn tỉnh, thưa ông ?
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Các cấp ủy hàng năm nên giao chỉ tiêu cụ thể phát triển đảng viên là nông dân, hội viên nông dân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn còn vướng mắc về nguồn đối tượng mà tổ chức hội các cấp đã giới thiệu và đang quản lý như về trình độ chính trị, văn hóa, độ tuổi... Ngoài ra, thông qua các tổ chức hội để tạo nguồn, tạo điều kiện cho hội viên ưu tú được học tập văn hóa, nhận thức về đảng và phát triển, cũng như chọn đào tạo sau này để kế thừa. Bên cạnh đó có giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức chính trị, trình độ, năng lực sản xuất cho nông dân, nhất là đối với những nông dân nổi bật, tiêu biểu, tích cực trong phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng kỹ thuật nông thôn... nhưng chưa đủ chuẩn về trình độ để kết nạp vào Đảng. Đồng thời công tác phát triển Đảng được các cấp hội xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của hội và căn cứ vào kết quả cụ thể làm cơ sở để đánh giá thi đua cuối năm. Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp cần xác định đưa việc tạo nguồn và giới thiệu hội viên ưu tú sang Đảng xem xét vào chỉ tiêu thi đua hàng năm. Ngoài ra, Hội Nông dân cũng đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua đó phát hiện, giúp đỡ hội viên ưu tú phấn đấu vào Đảng, trọng tâm hướng đến những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, những cá nhân tiêu biểu trong các mô hình kinh tế tập thể, đi đầu trong các phong trào ở địa phương.
Phóng viên: Biết rằng kết nạp Đảng không chạy theo chỉ tiêu số lượng, mà cần thực chất, nhưng so với số lượng hội viên trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ vẫn chưa cao, vậy theo ông đâu là những khó khăn, vướng mắc?
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Công tác phát triển đảng viên trong nông dân hiện cũng còn những hạn chế, khó khăn như, số lượng hội viên nông dân ưu tú được kết nạp vào Đảng đạt tỷ lệ còn thấp, chưa tương xứng với số lượng hội viên và phong trào nông dân phát triển mạnh mẽ của địa phương. Lý do lao động nông thôn có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác dẫn đến sự biến động về nghề nghiệp, nơi cư trú của hội viên, đồng thời thu hẹp nguồn phát triển đảng viên. Phần đông nông dân hạn chế về trình độ học vấn, đã lớn tuổi, một số vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ; một số do kinh tế còn khó khăn, ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, chưa quan tâm phấn đấu vào Đảng. Nhiều cấp ủy Đảng chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng viên là nông dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng. Ngoài ra, các cấp Hội chủ yếu tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, kinh tế hộ, nâng cao chất lượng đời sống, vật chất và tinh thần cho Hội Nông dân chứ chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu hội viên ưu tú vào Đảng. Vì vậy, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng luôn xác định, công tác phát triển đảng viên trong nông dân là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, là công việc khó, do đó cần phải có sự thống nhất nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm nâng cao số lượng và chất lượng kết nạp đảng viên trong nông dân.
Phóng viên: Trong thời gian đến, Hội Nông dân tỉnh sẽ có những giải pháp gì để nâng cao cả về chất lượng và số lượng đảng viên là nông dân, thưa ông?
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Để nâng cao số lượng, chất lượng kết nạp đảng viên là hội viên nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường quán triệt đến các cơ sở Hội Nông dân, chi, tổ hội những quan điểm chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phát triển đảng viên là hội viên nông dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về Đảng cho các hội viên nông dân phải được thực hiện thường xuyên gắn với các phong trào của nông dân, phong trào thi đua yêu nước, các mô hình kinh tế để thu hút nông dân đông đảo tham gia, tạo sức lan tỏa từ đó phát hiện các nhân tố mới tích cực. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng các đối tượng là cán bộ các chi, tổ Hội Nông dân nhất là các chi, tổ hội nghề nghiệp, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi…
Có giải pháp tích cực cụ thể để nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng văn hóa, trình độ, năng lực sản xuất của nông dân. Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội Nông dân thật sự vững mạnh; phát hiện biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực trong sản xuất, kinh doanh, phát triển hạ tầng kỹ thuật nông thôn, tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát công tác phát triển đảng viên tại chi bộ nông thôn; kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi dưỡng, giáo dục, kết nạp đảng viên là hội viên nông dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở hội tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp duy trì nề nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Phân công đảng viên theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú là nông dân trực tiếp lao động nông nghiệp; tổ chức sinh hoạt chuyên đề để thảo luận các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế trong tạo nguồn phát triển đảng viên. Tích cực phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cá nhân tích cực, tiêu biểu trong các phong trào ở cơ sở. Hội Nông dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động và phương pháp tập hợp hội viên. Quan tâm tạo việc làm, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tổ chức các phong trào thi đua để thu hút các đoàn viên, hội viên tham gia tạo điều kiện cho hội viên nông dân có môi trường rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
THANH NHÀN (thực hiện)