TIN MỚI

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, tư duy đổi mới

Chiều ngày 12/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010-2020” và Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020. Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh Trần Quảng

Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61.

Cùng tham gia điều hành Hội nghị có đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Phó Ban Chỉ đạo Đề án 61 và đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Phó Ban Chỉ đạo Đề án 61.

Dự Hội nghị tại điểm cầu T.Ư còn có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng gồm: đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương; đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư cùng đại diện các ban của Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tich nước, Văn phòng Chính phủ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí đại diện các bộ, ngành; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Hội, các đồng chí trưởng các Ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Đề án 61 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hơn 27.000 nông dân là tỷ phú

Báo cáo khái quát đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN cho biết: 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư đã tạo nguồn lực to lớn, là điều kiện, phương tiện để các cấp Hội Nông dân tiến hành có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; các phong trào thi đua của Hội Nông dân phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội Nông dân phát động đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Hằng năm, trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 138,4% so với mục tiêu Đề án). Trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, trên 775 ngàn hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 505 ngàn hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, hơn 27 ngàn hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng. Hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220 ngàn hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm… trị giá trên 4.800 tỷ đồng.

Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có, góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân ở nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018) tăng gấp 3,92 lần (đạt 156,8% so với mục tiêu Đề án). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm), đến năm 2020 ước còn dưới 3%.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam,

Phó Ban Chỉ đạo Đề án 61 phát biểu tạo Hội nghị. Ảnh Trần Quảng.

Trong 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp ở địa phương gần 2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân đạt trên 3,6 nghìn tỷ đồng.

Công tác quản lý Quỹ Hỗ trợ Nông dân được triển khai hiệu quả, tỷ lệ thu hồi vốn rất cao, tỷ lệ nợ xấu thấp, chỉ khoảng 0,29%, trực tiếp hỗ trợ cho hơn 2,4 triệu lượt hộ hội viên nông dân tham gia vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo, trở thành hộ khá, nhiều hộ khá trở thành hộ giàu, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu ở nông thôn ngày càng tăng.

Nhiệm vụ xây dựng các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân được chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng Trung tâm; Chính phủ đã cấp vốn để Hội Nông dân Việt Nam xây dựng và nâng cấp 35 trung tâm; đến nay đã đưa 21 trung tâm vào sử dụng.

Thông qua hoạt động của các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, hàng triệu lượt hộ nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hàng ngàn mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tưới được xây dựng làm mô hình trình diễn để hội viên nông dân học tập, nhân rộng.

Theo đồng chí Thào Xuân Sùng: Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm. Một số địa phương công tác tuyên truyền về Đề án và Kết luận 61, Quyết định 673 chưa sâu, rộng; một nơi cấp ủy, chính quyền và sở, ngành, các cơ quan chuyên môn chưa nhận thức rõ về nội dung của Kết luận 61 và Quyết định 673. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách cho Quỹ HTND, bố trí biên chế sự nghiệp và tạo điều kiện cho Trung tâm Hỗ trợ Nông dân hoạt động.

Bên cạnh đó, còn một số nội dung trong Kết luận 61 triển khai chậm như: Đề án xây dựng “Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; Đề án “Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”…

Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Hội Nông dân thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, dự án

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, một số mặt hàng chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra… Giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của nhóm nông sản đạt 3,5%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường đạt 2 con số như xuất khẩu sang Chile tăng 3,6 lần sau 5 năm, tăng bình quân 28,9%/năm; Ấn Độ tăng 15,6 lần sau 9 năm, Hàn Quốc tăng bình quân hơn 29%/năm, Trung Quốc tăng gần 30%/năm…

Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh triển khai xây dựng các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, điển hình là các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước, Trà Vinh, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Lai Châu. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Sở NN&PTNT và các hợp tác xã nghiên cứu, triển khai nhân rộng mô hình. Mỗi tỉnh được lựa chọn xây dựng 2 mô hình thí điểm tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và không tập trung, được ngân sách Trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình.

“Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hội Nông dân thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, dự án nhằm thúc đẩy nông sản, tìm kiếm đầu ra tiêu thụ hàng hóa cho nông dân…” ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: T.Ư Hội NDVN đã ký Chương trình phối hợp với Bộ NN&PTNT, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Tại hội nghị, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: 10 năm qua, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 10 triệu lao động nông thôn, với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 85%. Tuy nhiên, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu đặt ra. Bộ mong muốn Hội ND phát huy tốt hơn nữa vai trò trong quá trình tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách…

Đồng quan điểm với đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh còn lớn, nhất là nghề nông nghiệp. Tỷ lệ nông dân qua đào tạo mới đạt gần 60%, nguyện vọng của nông dân muốn được học nhiều ngành nghề trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi đó, quy định nông dân chỉ được học một nghề trong nông nghiệp như thời gian qua là chưa hợp lý.

 

Toàn cảnh Hội nghị điểm cầu T.Ư tại trụ sở Chính phủ. Ảnh Trần Quảng

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua việc triển khai thực hiện Kết luân 61 còn hạn chế trong lựa chọn mô hình, xây dựng dự án theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa, một số dự án còn trải rộng trên nhiều ấp, chưa chú trọng đầu tư các mô hình mới, chủ yếu tập trung vào mô hình đã có sẵn. Tỉnh  Sóc Trăng đề xuất Ban Chỉ đạo Đề án 61 tiếp tục có những hướng dẫn thực hiện Kết luận 61 cho giai đoạn tiếp theo.

Tham luận của tỉnh Ninh Bình cho biết, Quỹ Hỗ trợ Nông dân rất thiết thực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ưu điểm là Quỹ cho vay không phải thế chấp tài sản, thủ tục đơn giản. Các cấp Hội Nông dân quản lý Quỹ rất hiệu quả, hơn 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng nợ xấu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cấp ngân sách cho Quỹ theo hướng năm sau cao hơn năm trước 20%.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm mới 

Dẫn cảnh báo mà báo chí quốc tế đưa tin rằng một nạn đói lớn có thể xảy ra trên toàn cầu, còn nặng nề hơn cả dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông dân, nông nghiệp Việt Nam là nền tảng, trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

“Chúng ta đã triển khai quyết liệt, sát sao Đề án 61, đạt nhiều kết quả đáng mừng, 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp hơn 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp ở địa phương gần 2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân toàn hệ thống Hội đến nay đạt hơn 3,6 nghìn tỷ đồng”.

Nhiệm vụ xây dựng các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân được chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng trung tâm; Chính phủ đã cấp vốn để Hội Nông dân Việt Nam xây dựng và nâng cấp 35 trung tâm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đối với Hội Nông dân Việt Nam, Kết luận số 61 và Quyết định số 673 đã tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, khẳng định được vai trò vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị. Công tác quản lý Quỹ Hỗ trợ Nông dân được triển khai hiệu quả, tỷ lệ thu hồi vốn rất cao, tỷ lệ nợ xấu thấp, chỉ khoảng 0,29%. Nhờ đó, nông nghiệp Việt Nam có bước tiến bộ đáng mừng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng có mấy tồn tại lớn. Một số ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn. Một số cấp ủy chưa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61; việc triển khai Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều nơi còn bất cập, nhất là trong việc bổ sung Quỹ hỗ trợ Nông dân. Đội ngũ cán bộ ở một số cấp còn còn thiếu và yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham mưu các vấn đề liên quan đến nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh Trần Quảng

Để triển khai Đề án 61 và Quyết định 673 tốt hơn, Thủ tướng chỉ đạo, “chúng ta làm việc thực chất, hiệu quả nhằm mục tiêu nâng cao mức sống cho nông dân, xóa nghèo ở nông thôn, miền núi”, đừng làm những thứ không cần thiết. Tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm mới tức là từ khi gieo hạt giống xuống phải tính toán đến cả quá trình cho đến dầu ra sản phẩm chứ không phải tư duy như thời kỳ ”con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân và chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới với những khó khăn hơn, ở mức cao hơn, cho nên sự chỉ đạo phải quyết liệt. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là hạ tầng mà chính là nâng cao đời sống người dân.

Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các cấp Hội Nông dân tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác của Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội, nhất là trong việc khai thác các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân ở các địa phương. Có trách nhiệm vận động các thành phần kinh tế đóng góp xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng cũng đề nghị, Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả hơn nữa, sát hơn nữa Kết luận số 61-KL/TW; Cùng với ngân sách Trung ương, các địa phương xem xét cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân.

“Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng nêu rõ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai với trách nhiệm là Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61 nhấn mạnh: Hội nghị này đã đánh giá kết quả thực  hiện 10 năm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quan trọng là từ kết quả đạt được và những kinh nghiệm đã có, chúng ta khắc phục được những hạn chế nhất là tăng cường vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, từ đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất Kết luận 61-KL/TW, Quyết định 673/QĐ-TTg với mục tiêu cuối cùng nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, tạo chuyển biến tích cực hơn trong nông thôn, góp phần hình thành một lớp nông dân mới, xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam mạnh về chính trị, đoàn kết,  thực chất là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nông dân ngày nay cần có đầy đủ thông tin, có sự hiểu biết để chủ động tham gia nền kinh tế thị trường; làm được điều đó thì việc phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ hết sức thuận lợi. Do đó, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa, hỗ trợ nông dân hiệu quả.

Theo: Làng Mới


Các tin khác

Lượt truy cập

695000