Trên diện tích 800 ha, công ty này đã thuê Tập đoàn Delaval của Thụy Điển thiết kế khu nuôi, chọn giống, vận hành và chuyển giao với 20.000 con bò sữa nhập khẩu từ Mỹ. Vùng trồng cỏ, trồng bắp chăn nuôi bò đang được triển khai.
Ông Lê Bảo Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Thông Thuận cho biết, công ty đã khảo sát khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để chăn nuôi bò. Đồng thời, công ty cũng đã được UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp Bình Thuận cam kết hỗ trợ để làm được dự án công nghệ cao ở đây.
Còn tại vùng hoang hóa thuộc khu Lê Hồng Phong (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình), một nhà đầu tư nông nghiệp ngoài tỉnh cũng đã đến đây xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích trên 60 ha. Chủ trang trại đã trồng thử nghiệm 1,5 ha thanh long sạch, 3 ha ổi, 5 ha đinh lăng và dưa lưới bằng công nghệ cao cho năng suất gấp đôi theo lối truyền thống.
Ông Phạm Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đông Á cho biết, trong năm nay công ty sẽ triển khai trồng thêm 5 ha dưa lưới trong nhà màng và tăng thêm diện tích sản xuất thanh long Organic. “Công ty sẽ tập trung để nâng cao chất lượng, tăng tối đa hiệu quả trên một diện tích để ứng dụng được công nghệ vào sản xuất nông nghiệp”, ông Minh nói.
Từ một vùng sa mạc hóa, bằng công nghệ tưới tiết kiệm và sản xuất công nghệ cao, mô hình của ông Phạm Văn Minh đã mang lại thành công, tạo cảm hứng cho tỉnh Bình Thuận lập đề án xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lê Hồng Phong với quy mô 2.000 ha.
Sản phẩm chủ lực của khu này là công nghệ và sản phẩm công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, chẳng hạn như giống cây trồng sạch bệnh chất lượng cao, nấm, cây dược liệu, công nghệ sản xuất rau sạch… Tuyến kênh thủy lợi dài hơn 20km đi qua khu vực này vừa hoàn thành sẽ phục vụ cho đề án.
Ông Phạm Văn Minh giới thiệu khu nhà màng sản xuất dưa lưới của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đông Á.
Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung thanh long an toàn với quy mô 10.000 ha tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Qua đây, địa phương kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao, thông qua việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để tăng giá trị xuất khẩu.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đang tranh thủ các nguồn lực hiện có, quyết tâm thực hiện hướng đi này.
“Tỉnh Bình Thuận chủ trương tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, đồng thời phát huy nội lực sẵn có của địa phương thông qua việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó sẽ tập trung vào chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án để triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Kiều cho biết.
Hiện nay, các khu vực được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Bình Thuận đầu tư hệ thống thủy lợi đầu tư bài bản, cùng nhiều chính sách ưu đãi. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai ở Bình Thuận./.
Theo: vov.vn