TIN MỚI

Tình hình kinh tế nông nghiệp tháng 11 năm 2020

Trong tháng sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung vào sản xuất vụ mùa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển ổn định; chăn nuôi lợn trên đà phục hồi tốt, tổng đàn lợn tăng so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn Châu phi năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tăng 20,16% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 11 ước đạt 48 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng trước và giảm 22,63% so với cùng kỳ năm trước...

 

I. Nông, lâm, thuỷ sản

Trong tháng sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung vào sản xuất vụ mùa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển ổn định; chăn nuôi lợn trên đà phục hồi tốt, tổng đàn lợn tăng so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn Châu phi năm trước. Công tác ngăn ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được theo dõi, triển khai thường xuyên. Sản lượng khai thác thuỷ sản biển giảm do ngư trường khai thác gặp khó khăn vì ảnh hưởng của các cơn bão.

1. Trồng trọt:

* Cây hàng năm:

Tiến độ sản xuất vụ Mùa (tính đến ngày 10/11/2020): Diện tích đạt 85.572,2 ha, tăng 0,4% so với vụ cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

- Cây lương thực: Diện tích đạt 46.638,7 ha, bằng 96,9% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, cây lúa đạt 41.662,5 ha, bằng 98% so với vụ cùng kỳ, do huyện Tuy Phong xuống giống trễ; cây bắp đạt 4.976,2 ha, bằng 88,2% so với vụ cùng kỳ, do giá trị cây bắp có xu hướng giảm nên năm nay người dân giảm gieo trồng).

   - Nhóm cây chất bột: Diện tích đạt 28.367,3 ha, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây mỳ đạt 27.966 ha, tăng 5,8% so với vụ cùng kỳ, diện tích mỳ tập trung chủ yếu ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân là những vùng sản xuất thuận lợi cho cây trồng này, năm nay cây mỳ gặp nhiều thuận lợi về điều kiện gieo trồng, nguồn nước tưới đầy đủ nên người dân tích cực gieo trồng.

- Nhóm cây công nghiêp ngắn ngày: Diện tích đạt 3.368,6 ha, bằng 91,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, mía đạt 1.222 ha, bằng 96,7% so với cùng kỳ năm trước; mè đạt 121 ha, bằng 54,5% so với cùng kỳ năm trước, diện tích mè giảm sâu do diện tích gieo trồng ở một số nơi chuyên trồng mè bị ngập lụt do mưa lớn nên người dân giảm gieo trồng như ở xã Bình Tân huyện Bắc Bình; đậu phộng đạt 2.010,6 ha, bằng 92,4% so với vụ cùng kỳ, vì thời điểm này huyện Tuy Phong vẫn chưa gieo trồng).

- Cây rau, đậu các loại: Diện tích đạt 6.554 ha tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, rau các loại đạt 2.762,6 ha, bằng 97,9% so với cùng kỳ; đậu các loại đạt 3.791,4 ha, tăng 24,3% so với cùng kỳ, do cây đậu đen hiện đang có giá trị kinh tế cao, dẫn đến người dân chuyển đổi diện tích gieo trồng nhiều như ở Bắc Bình).

- Nhóm cây hàng năm khác: Diện tích đạt 643,6 ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng mạnh ở cây gia vị và cây dược liệu các loại do nhu cầu sản phẩm này ngày càng cao, nên người dân tích cực gieo trồng.

* Cây lâu năm:

Trong tháng thời tiết thuận lợi, mưa nhiều các địa phương tập trung trồng mới và chăm sóc các loại cây lâu năm. Do ảnh hưởng của giá đầu ra một số mặt hàng nông sản ở mức thấp, nên nhìn chung tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh so với cùng kỳ không có biến động lớn. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:

- Thanh long: Đang là mùa cao điểm nhà vườn chong đèn trái vụ để phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến. Do ảnh hưởng của các cơn bão, mưa nhiều trên cây xuất hiện nhiều nấm bệnh, dự báo khả năng sản lượng chong điện thấp, các khoản chi phí như phân, thuốc, rơm rạ, tiền điện nhìn chung không tăng. Đến thời điểm 15/11/2020, toàn tỉnh có 11.261,9 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

- Cây điều: Một số địa phương như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc đang phát triển thêm diện tích trồng mới. Nhìn chung, cây điều trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng bằng giống điều truyền thống, trên những vùng đất bạc màu, phần lớn diện tích đã già cỗi; việc chăm sóc, bón phân ở một số địa phương người trồng chưa quan tâm đúng mức, khả năng chịu sâu bệnh thấp nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao.

- Cao su: Trong những năm gần đây thị trường xuất khẩu cao su gặp khó khăn và chưa có nhiều khởi sắc, hiện đang trong mùa thu hoạch, giá bán đang ở mức thấp chỉ đủ bù đắp được chi phí, chưa đem lại lợi nhuận cho người trồng, diện tích toàn tỉnh trong thời gian tới dự kiến khó có khả năng tăng.

- Cây tiêu: Đã kết thúc vụ thu hoạch năm 2020, đang trong thời gian tập trung bón phân và chăm sóc cho vụ thu hoạch tiếp theo. Do giá tiêu trong vài năm trở lại đây giảm sâu chưa có dấu hiệu hồi phục; trên nhiều vườn tiêu xuất hiện sâu bệnh, năng suất thấp hiệu quả kinh tế không cao nên người trồng e ngại đầu tư, phát triển thêm diện tích trồng mới.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

* Tình hình sâu bệnh: Công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng được triển khai thường xuyên, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ và ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng.

- Cây lúa: Bệnh đạo ôn lá nhiễm 1.779 ha, tăng 422 ha so với cùng kỳ; ốc bươu vàng nhiễm 1.316 ha, tăng 1.066 ha so với cùng kỳ; sâu đục thân (dảnh héo) nhiễm 885 ha, tăng 355 ha so với cùng kỳ; chuột phá hoại diện tích 804 ha, tăng 104 ha so với cùng kỳ.

- Cây bắp: Sâu keo mùa thu nhiễm 95 ha, giảm 843 ha so với cùng kỳ.

- Cây mỳ: Bệnh khảm lá virus nhiễm 2.483 ha, tăng 1.970 ha so với cùng kỳ.

- Cây điều: Bọ xít muỗi nhiễm 248 ha; bệnh thán thư diện tích gây hại 130 ha.

- Cây thanh long: Bệnh đốm nâu nhiễm 6.740 ha, tăng 3.350 ha so với cùng kỳ; ốc sên gây hại 1.910 ha, tăng 1.191 ha so với cùng kỳ; bệnh thối rễ tóp cành 1.038 ha, giảm 246 ha so với cùng kỳ; bệnh thán thư cành, quả nhiễm 1.210 ha, tăng 358 ha so với cùng kỳ.

- Cây tiêu và cao su: Các đối tượng gây hại rải rác trên toàn vùng nhưng không đáng kể.

* Tình hình tưới phục vụ sản xuất:

Tính đến ngày 15/11/2020, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn trên diện rộng, lượng nước trên hệ thống kênh nối mạng, nước tại một số hồ tăng cao, sau khi thực hiện xả lũ lượng nước hữu ích đạt 234,2 triệu m3, đạt 72,4% thiết kế đảm bảo cho phòng chống lũ lụt. Hồ thủy điện Đại Ninh đạt 299,1 triệu m3, đạt 91,8% dung tích hữu ích hiện tại; hồ thủy điện Hàm Thuận đạt 560,1 triệu m³, đạt 74,1% dung tích hữu ích hiện tại. Ngoài việc tiếp tục ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, hiện nay các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được 100% kế hoạch tưới cây thanh long (19.791 ha/19.791 ha); cây hàng năm tưới đạt 91% so với kế hoạch sản xuất (28.291 ha/30.933 ha).

2. Chăn nuôi:

Đàn gia súc, gia cầm trong tháng duy trì và phát triển ổn định. Chăn nuôi trâu, bò phát triển khá do đang ở thời điểm mùa mưa, nguồn thức ăn và đồng cỏ chăn thả dồi dào; chăn nuôi lợn trên đà phục hồi tốt, tổng đàn đã tăng hơn so với thời điểm trước khi có bệnh Dịch tả lợn Châu phi năm trước, mặc dù giá bán lợn có giảm so với các tháng trước, nhưng vẫn ở mức cao đảm bảo cho người chăn nuôi có lời; chăn nuôi gia cầm phát triển khá, một số dự án, doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gà đã và đang hình thành.

          Ước tại thời điểm 15/11/2020, có 180.010 con trâu, bò, tăng 2,2% so với cùng kỳ; đàn lợn có 308.880 con tăng 14,9% so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 4.230 ngàn con, tăng 20,5% so với cùng kỳ, trong đó, đàn gà 2.820 con, tăng 20% so với cùng kỳ; đàn lợn và gia cầm tăng nhiều, do có 02 doanh nghiệp và 12 trại chăn nuôi tăng mới so với năm trước.

 

* Công tác phòng, chống dịch:

Trong tháng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ổn định, một số bệnh truyền nhiễm xảy ra trên gia súc, gia cầm ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra, ngành thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh; thực hiện triển khai tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao thường xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn để tiêu diệt các mầm bệnh; đồng thời vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và quản lý giết mổ động vật.

- Công tác tiêm phòng: Đã tiêm phòng 1.118.452 liều vắc xin; trong đó, đàn trâu bò 42.379 liều, đàn lợn 40.393 liều, đàn gia cầm 1.035.680 liều; luỹ kế 11 tháng (đến 15/11/2020) đã tiêm phòng 22.723.123 liều vắc xin; trong đó, đàn trâu bò 168.324 liều, đàn lợn 520.024 liều, đàn gia cầm 22.034.775 liều.

- Kiểm dịch động vật: Đã kiểm dịch 67.218 con lợn, 1.856 con trâu bò, 115.030 con gia cầm, 6.561 kg thịt dê, 2,2 triệu quả trứng gia cầm; lũy kế 11 tháng (đến 15/11/2020) đã kiểm dịch 949.074 con lợn, 9.430 con trâu bò, 2.379.610 con gia cầm, 208 con dê, 48.612 kg thịt dê, 27,9 triệu quả trứng gia cầm.

Kiểm soát giết mổ: Đã kiểm soát giết mổ 259 con trâu bò, 3.104 con lợn, 3.120 con gia cầm, 312 con dê; luỹ kế 11 tháng (đến 15/11/2020) đã kiểm soát 2.356 con trâu bò, 27.428 con lợn, 59.857 con gia cầm, 2.285 con dê.

3. Lâm nghiệp:

Trong tháng, diện tích rừng trồng mới được 120 ha, lũy kế 11 tháng đạt 2.000 ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ và tái sinh rừng đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng và đây được xem như là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc khôi phục lại rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho rừng tự nhiên phát triển. Đối với công tác khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ và tái sinh rừng tự nhiên với mục tiêu bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên và nâng cao chất lượng rừng. Các địa phương đã thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát về thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ theo các nội dung quy định cụ thể trong hợp đồng đã được ký kết giữa nhà nước với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn,… trong việc nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Lũy kế diện tích rừng được giao khoán bảo vệ trong 11 tháng là 132.792 ha; tăng 1,8% so với cùng kỳ, trong đó giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số 86.179,4 ha.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Triển khai thực hiện kịp thời trên lĩnh vực bảo vệ rừng và PCCCR. Việc kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh luôn được tăng cường. Trong tháng đã phát hiện 19 vụ vi phạm lâm luật, lũy kế 11 tháng 257 vụ, phá rừng trái phép 14 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 66 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 96 vụ và vi phạm khác 81 vụ. Đã lập hồ sơ xử lý 254 vụ vi phạm hành chính, khởi tố hình sự 06 vụ, phương tiện bị tịch thu gồm: 2 ô tô máy kéo, 2 xe trâu bò kéo, 105 xe máy, 54 phương tiện khác, 208,3 m3 gỗ các loại,...

4. Thuỷ sản:

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Ước trong tháng đạt 295,2 ha, giảm 1,4% so tháng cùng kỳ năm trước; luỹ kế 11 tháng ước đạt 2.703,7 ha, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, diện tích nuôi cá ước đạt 1.737 ha, giảm 1,3%; diện tích nuôi tôm 941,7 ha, giảm 2,2%).

- Sản lượng nuôi trồng: Ước trong tháng đạt 1.231,6 tấn, giảm 1,4% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng ước đạt 12.776,1 tấn, giảm 1% so cùng kỳ (trong đó, cá các loại 5.197 tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ; tôm nuôi nước lợ 7.517,5 tấn, giảm 1,6%); nguyên nhân giảm do ảnh hưởng của thời tiết và ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm nên hộ nuôi hạn chế thả giống.

- Sản lượng khai thác: Trong tháng, thời tiết và ngư trường gặp khó khăn cho hoạt động đánh bắt thủy sản, do ảnh hưởng liên tiếp của các cơn bão lớn đến dồn dập. Một số tàu cá làm nghề vây rút chì, mành chụp, nghề câu khơi bắt đầu lên ụ để tu bổ, sửa chữa hoặc nằm nghỉ bờ dài ngày, một số lượng tàu nằm bờ tránh gió bão. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 15.164 tấn giảm 11,1% so tháng cùng kỳ năm trước, mức giảm cao nhất từ đầu năm đến nay, lũy kế 11 tháng ước đạt 203.777,3 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khai thác biển ước đạt 203.197,1 tấn tăng 0,7% so với cùng kỳ).

Mặc dù nguồn lợi thuỷ sản gần bờ giảm nhiều và chủ trương cấm đánh bắt một số loài hải sản thuộc vùng ven bờ theo quy định của địa phương; nhưng với sự đầu tư tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ, ngư dân tích cực ra khơi bám biển, các chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày hoạt động ngày càng tăng góp phần giữ vững sản lượng khai thác. Khai thác thuỷ sản nội địa hiện nay giảm đáng kể do diện tích mặt nước ngày càng thu hẹp, các loại thuỷ sản được khai thác ở các sông, suối đầm hồ thuỷ lợi chủ yếu là các loại cá rô, lóc, trạch, trê, tôm, cua,…

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, ước trong tháng sản xuất 2 tỷ post, tăng 2,6% so với tháng cùng kỳ, lũy kế 11 tháng ước đạt 21,7 tỷ post, bằng 95,3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất tôm giống trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng giá cả, tôm thương phẩm tiêu thụ chậm. Công tác quản lý chất lượng giống thuỷ sản, nhất là giống tôm bố mẹ luôn được tăng cường. Các cơ sở này cung cấp cho thị trường trong tỉnh và chủ yếu là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chất lượng tôm giống được kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước khi xuất đi ngoài tỉnh.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Trong tháng (từ ngày 11/10-09/11/2020) đã xử phạt 19 vụ vi phạm với các hành vi; luỹ kế 11 tháng (tính đến ngày 09/11/2020), đã phát hiện và xử lý 428 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt 2,9 tỷ đồng.

5. Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản:

Trong tháng đã tổ chức 08 lớp tập huấn kiến thức ATTP với 364 người tham dự. Đã thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP cho 88 lượt cơ sở/88 lượt cơ sở đạt điều kiện (lũy kế 11 tháng thẩm định 714 lượt cơ sở/ 709 lượt cơ sở đạt điều kiện ATTP); thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh VTNN cho 34 cơ sở (lũy kế 11 tháng thẩm định 220 cơ sở, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 218 cơ sở). Tổ chức khảo sát điều kiện sản xuất đảm bảo ATTP tại 05 cơ sở, test nhanh 12 mẫu giò chả, chả cá hàn the tại các chợ, kết quả đạt yêu cầu. Xây dựng 02 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn với sản lượng 1.620 tấn sản phẩm (lũy kế 11 tháng đã xây dựng 21 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sản lượng 19.722,7 tấn).

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh.


Các tin khác

Lượt truy cập

700909