TIN MỚI

HỘI NÔNG DÂN HUYỆN HÀM THUẬN NAM: THỰC HIỆN TỐT QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ

Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; Nghị định số 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 27/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Hội Nông dân huyện đã triển khai và tiếp tục thực hiện có hiệu quả 03 Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, khóa VII, gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Nhìn chung, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân ngày càng được nâng cao, đã phát huy được quyền làm chủ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến về các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, làm đường giao thông nông thôn; tham gia bầu HĐND các cấp, bầu trưởng thôn, khu phố; tham gia các phong trào thi đua sản xuất, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của nông dân. Đến nay toàn huyện hiện có 7.021 hộ nông dân đạt danh hiệu“SXKD giỏi” các cấp.

Hội Nông dân huyện đã phối hợp tổ chức dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên cơ quan Khối Mặt trận - các đoàn thể huyện; đồng thời, cùng với Đảng bộ Khối Đảng - Đoàn thể huyện “Hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo” bằng nguồn kinh phí do đảng viên, cán bộ, công chức trong cơ quan đóng góp. Chủ trì phối hợp với cơ sở Hội “Trồng cây xanh” dọc tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn Dân Thuận, xã Hàm Thạnh bằng nguồn kinh phí do Hội Nông dân các cấp trong huyện đóng góp. Duy trì mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” tại xóm Lá Buông, thôn Hiệp Nghĩa, xã Tân Thuận và mô hình “Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật” tại xã Hàm Mỹ. Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng thực hiện tốt việc nhân rộng mô hình “Thôn Tự quản, chống lay lan ma túy” tại thôn Lập Phước, xã Tân Lập; “Khu dân cư phòng, chống tội phạm” tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận; “Thôn tự quản chống lây lan ma túy” tại thôn Thạnh Mỹ, xã Tân Thành và thôn Thuân Thành, xã Thuận Quý; thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh; thôn Phú Cường, xã Hàm Cường; thôn Dân Hiệp, xã Hàm Kiệm; thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ. Duy trì, nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ Khuyến nông” tại xã Tân Thuận do Hội Nông dân xã phối hợp tham mưu thành lập; duy trì, củng cố các hoạt động hiệu quả của HTX Dịch vụ Thanh long Phú Mỹ II, xã Hàm Mỹ. Thành lập mới Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất thanh long Thuận Quý và Tổ Hợp tác sản xuất Thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh. Ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH sản xuất -  thương mại - dịch vụ Ba Tường mô hình “Liên kết thực hiện cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi bồ câu Pháp” cho hội viên nông dân trên địa bàn huyện. Tổ chức hoạt động kết nghĩa giữa Hội Nông dân huyện với thôn 2, xã Mỹ Thạnh năm 2020 đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả trong việc tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi hộ gia đình… Cùng với Hội Nông dân xã Hàm Mỹ xây dựng mô hình “Hố rác tự hủy” tại thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ.

Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Các cấp Hội trong huyện tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân bằng các hình thức: Sinh hoạt chi tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về công tác Hội và tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề... Trong năm 2020, các cấp Hội trong huyện đã tổ chức được 50 cuộc tuyên truyền, phổ biến các nội dung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho hơn 2.500 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại 13 xã, thị trấn.

Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động về nội dung tuyên truyền Luật An toàn giao thông và công tác phòng, chống tội phạm tại 03 xã: Mỹ Thạnh, Hàm Cần và Tân Thành cho hơn 210 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; qua đó từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương.

Năm 2020, các cấp Hội trong huyện đã trực tiếp hòa giải thành hơn 120 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; chủ động tham gia với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hòa giải thành hơn 87 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự... và nhiều vụ việc sau khi được cán bộ giải thích hội viên, nông dân đã tự nguyện rút đơn khiếu nại, tố cáo, nhờ đó giữ được tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết gắn bó trong nội bộ nông dân.

Các cấp Hội trong huyện đã chủ động phối hợp cùng chính quyền, các Ban ngành chức năng tham gia tiếp dân định kỳ hàng tháng tại các điểm tiếp dân, nghe phản ánh các nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân, đồng thời phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo. Kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng thực hiện hòa giải trước, trong và sau khiếu kiện. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp Hội vừa tham gia cùng chính quyền giải quyết, vừa kiên trì hòa giải đạt hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phối hợp với Agribank chi nhánh Hàm Thuận Nam và Hàm Mỹ trong việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn vay đến 200 triệu đồng (vay qua Tổ liên kết vay vốn do Hội Nông dân thành lập) để đầu tư sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để tổ chức Hội ngày càng được củng cố và hoạt động có hiệu quả; chất lượng tín dụng của Ngân hàng được đảm bảo; đồng thời cho vay qua thấu chi đối với hộ vay, góp phần làm giảm tình hình cho vay lãi nặng, tín dụng đen trên địa bàn.

Qua công tác giám sát theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát Chi nhánh Hàm Thuận Nam và Hàm Mỹ trong việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”; kết quả cho thấy: Agribank Chi nhánh Hàm Thuận Nam và Hàm Mỹ đã thực hiện tốt công tác cho vay qua điểm giao dịch tại ngân hàng cũng như điểm giao dịch lưu động tại 07/13 xã, thị trấn (Hàm Cường, Hàm Minh, Tân Lập, Tân Thuận, Tân Thành, Thuận Quý và thị trấn Thuận Nam); góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, Agribank Chi nhánh Hàm Thuận Nam và Hàm Mỹ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp trong huyện hàng năm tổ chức tuyên truyền, thi đua, khen thưởng, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; từ đó đề xuất các giải pháp thích hợp để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã tổng hợp ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên, nông dân gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, cá nhân được góp ý.

Các cấp Hội trong huyện đã vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh thông qua việc đóng góp ý kiến vào các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của cấp ủy các cấp, quyết định chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia đóng góp ý kiến phê bình đảng viên, tổ chức đảng; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy được vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg về phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp với các Hội Nông dân Việt Nam trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân..., tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện QCDC cơ sở, các cấp Hội tích cực tham gia xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp ý kiến xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, do đó mà công tác lãnh đạo các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, nâng cao nhận thức về Quy chế dân chủ trong các cấp Hội, xây dựng đơn vị Hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cũng như thực hiện có hiệu quả những quy định của Hội theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; thông qua các hình thức dân chủ, đảm bảo cho cán bộ, hội viên, nông dân được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến, tham gia vào xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Từ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện như sau:

Một là, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương Hội, nhận thức đúng đắn về phát huy dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, xem việc thực hiện quy chế dân chủ là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Xác định rõ vai trò tự giác của cán bộ chủ chốt có trách nhiệm, nhiệt tình quan tâm, lãnh đạo việc thực hiện quy chế dân chủ; phát huy quyền làm chủ nhân dân; kinh tế - xã hội phát triển, giảm khiếu nại, tố cáo, lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao.

Hai là, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phải gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện dân chủ phải đi đôi với giữ gìn kỷ cương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Tiến hành rà soát, bổ sung, xây dựng quy chế cụ thể; đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đoàn thể. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.  

Bốn là, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đủ mạnh, thật sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, phân công trách nhiệm các thành viên; duy trì tốt chế độ sinh hoạt của Ban Chỉ đạo; làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ./.

Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Nam

 


Các tin khác

Lượt truy cập

859321