TIN MỚI

Hiệu quả từ chương trình liên tịch giữa Hội Nông dân với Sở NN&PTNT

5 năm qua, điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp tuy còn nhiều khó khăn, giá cả nhiều mặt hàng nông sản thiếu ổn định, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Song, nhờ có những hoạt động đầu tư, hỗ trợ từ chương trình liên tịch phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn giai đoạn 2011-2015 đã giúp đỡ và hổ trợ cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã vượt qua được những điều kiện khó khăn  để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng.

Thực hiện Kế hoạch phối hợp số 61-KH/HND-SNN, ngày 11/7/2011 giữa Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân giai đoạn 2011-2015. Hàng năm, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, khuyến ngư và xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Cụ thể trong sản xuất lúa đã tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh, chọn tạo giống mới, triển khai mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn và nhân giống lúa xác nhận, nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất ngày càng nhiều đồng thời phối hợp triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP (nay là Nghị định số 35/2015/NĐ-CP). Đặc biệt trong thời gian hai năm 2014, 2015 hai ngành đã phối hợp chặt chẽ trong hướng dẫn, tuyên truyền các hộ nông dân áp dụng quy trình phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long do Cục bảo vệ thực vật ban hành. Trong chăn nuôi đã phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và cải tạo, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Trong thủy sản phối hợp thực hiện hỗ trợ ngư dân vùng biển xa theo Quyết định số 48/QĐ-TTg, triển khai chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP...

Trong công tác dạy nghề: Các cấp Hội đã chủ động phối hợp và tổ chức dạy nghề nông nghiệp ngắn hạn cho hội viên, nông dân gắn với tạo việc làm, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, Trung tâm DN&HTND Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng Lao động các huyện, thị, thành phố tổ chức được 87 lớp dạy nghề cho 2.799 lao động nông thôn. Đào tạo chủ yếu các nghề ngắn hạn như: trồng rau, trồng cây ăn quả, cây cảnh, cây lương thực, thuyền trưởng, máy trưởng, tin học văn phòng... Các huyện tổ chức được 789 lớp/26.316 người.

Về tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật: Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức 5.965 lớp/449.012 lượt cán bộ, hội viên, nông dân các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT, các cuộc hội thảo và xây dựng các mô hình nuôi, trồng, chăm sóc cây con mới có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, Hội tổ chức hàng trăm buổi tham quan, học tập các mô hình điểm, mô hình SX-KD mới trong và ngoài địa phương. Thông qua các chương trình, mô hình trình diễn, các lớp dạy nghề nông dân đã biết cách nhận biết một số đối tượng dịch hại chính cây trồng, con nuôi, biện pháp quản lý, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, chế biến, cách sử dụng hiệu quả, an toàn thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng thanh long, lúa, rau... theo tiêu chuẩn VietGAP; nhận thức của người nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới được nâng cao. Qua 5 năm cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, hệ số sử dụng đất được nâng lên, đã hình thành các vùng cây thanh long, cao su, những cánh đồng mẫu lớn; chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; sản lượng khai thác hải sản tăng qua từng năm, nuôi trồng thủy sản phát triển; kinh tế hợp tác được quan tâm củng cố. Đồng thời, Hội Nông dân các cấp trực tiếp hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 98 mô hình kinh tế hợp tác, tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý Hợp tác xã, Tổ hợp tác cho 79 người tham dự. Việc thành lập tổ hợp tác và tổ chức tập huấn, đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong quan hệ sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, xã hội và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định: Qua hoạt động phối hợp của 02 ngành đã góp phần quan trọng trong việc phát động, khuyến khích hội viên, nông dân thực hiện tốt phong trào SXKD giỏi. Trong 5 năm đã tổ chức hai kỳ hội nghị tổng kết cấp tỉnh, năm 2012 có 38.770 hộ và năm 2014 có 43.372 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, trong đó có 03 nông dân được bình chọn nông dân tiêu biểu dự Hội nghị nông dân điển hình tiên tiến do TW Hội Nông dân tổ chức hàng năm (2013 -2015). Từ phong trào đã có 08 sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm ra đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng được bình chọn sản phẩm tiêu biểu, gồm nước mắm, thanh long…

 Theo kế hoạch, trong thời gian tới hai ngành tiếp tục triển khai chương trình phối hợp thực hiện trong công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Trong đó tập trung quan tâm đến công tác phổ biến các chính sách, cung cấp thông tin thị trường, thông tin hội nhập khu vực và thế giới cho rộng rãi nhân dân trong đó có nông dân. Đồng thời, phối hợp nghiên cứu đề xuất, kiến nghị Nhà nước bổ sung kịp thời các chính sách, ban hành các chủ trương phù hợp với thực tế sản xuất-kinh doanh của nông dân./.


Các tin khác

Lượt truy cập

861035