TIN MỚI

Ông Nguyễn Văn Côn làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng

Ông Nguyễn Văn Côn có 0,9 ha đất công tác. Trước đây ông chủ yếu sản xuất nông nghiệp và buôn bán. Khi tỉnh xác định thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lương thực; hơn nữa dựa vào đặc diểm của đồng đất quê mình (xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình), ông quyết định đầu tư nuôi tôm sú.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Nguyễn Văn Côn

Vào năm 1999, ông vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và cộng thêm vốn tích lũy của gia đình ông đầu tư nuôi tôm sú trên diện tích 0,9ha. Do chăm sóc tốt, áp dụng quy trình nuôi theo hướng dẫn của những người trong nghề đi trước nên sau một năm nuôi tôm của ông rất đạt năng suất. Năm 2000, ông mở rộng thêm diện tích nuôi 1,5 ha tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam và sau 10 năm nuôi tôm sú, được, mất cũng nhiều nhưng qua mỗi lần thất bại, ông lại có thêm kinh nghiệm để lứa sau nuôi hiệu quả hơn.

 Năm 2010, ông về lại Phan Rí Thành, đầu tư thêm 1,1 ha (tổng diện tích nuôi là 2 ha) và chuyển sang con nuôi thẻ chân trắng. Ông cho biết: Nuôi tôm sú năng suất rất đạt nhưng tôm sú là loại rất nhạy cảm với môi trường và thời tiết. Nuôi tôm thẻ chân trắng thì sức đề kháng bệnh tốt hơn nhưng do năm thả 3 vụ nên môi trường ao nuôi bị ô nhiễm nhông hơn so với nuôi tôm sú. Vì vậy tôi phải áp dụng theo quy trình nuôi tôm trong ao trải bạt. Đầu tư nuôi tôm trong ao trải bạt chi phí cao hơn nuôi tôm trong ao đất (1.000 m­2 ao nuôi trải bạt phải đầu tư 50 triệu đồng, sử dụng được 3 năm) nhưng hiệu quả đem lại cao hơn, tôm ít dịch bệnh, giảm bớt công cải tạo ao sau thu hoạch. Với diện tích 2 ha, năng suất bình quân đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha/vụ (cá biệt có năm đạt 4 tấn/ha/vụ), sản lượng bình quân hàng năm đạt 12 tấn/2 ha. Tuy nhiên, để tăng năng suất, phòng ngừa dịch bệnh và thu nhập cao hơn, tôi cho nuôi gối đầu để tăng vụ (4 vụ/năm) và mua con giống ở miền Tây là nơi sản xuất giống có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Những năm đầu gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về môi trường, nguồn nước, thức ăn, vốn, thị trường tiêu thụ do thị hiếu người tiêu dùng chưa quan tâm đến con tôm thẻ chân trắng (vẫn quen với con tôm sú); nhất là khi dịch bệnh xảy ra chưa có thuốc điều trị đặc trị,…. Nhưng đến nay việc nuôi giống tôm này khá thuận lợi, tôm ít bệnh do sức kháng bệnh tốt, thị trường khá ổn định, giá thành phù hợp người tiêu dùng (từ 90.000 - 100 000 đồng/kg). Từ đó, doanh thu bình quân hàng năm của gia đình từ năm 2012 đến nay đạt 4,45 tỷ đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí cho thu nhập bình quân 1,5 tỷ đồng/năm, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động và từ 15 - 20 lao động theo thời vụ với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Ông Côn không chỉ nuôi tôm làm giàu cho bản thân mình mà còn tích cực tham gia tốt phong trào ở địa phương, là một hội viên nông dân gương mẫu, ông còn giúp đỡ và hỗ trợ cho 07 hộ nghèo về vốn (mỗi hộ từ 10 - 15 triệu đồng, không tính lãi), truyền đạt kinh nghiệm làm ăn; đóng góp cho quỹ khuyến học, một năm từ 5 - 6 triệu đồng và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác của địa phương; tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tại Hội nghị sơ kết phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh lần thứ VIII (2012-2014), ông đã được bình chọn nông dân SXKD giỏi cấp TW và được UBND tỉnh tặng bằng khen đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi tỉnh Bình Thuận.


Các tin khác

Lượt truy cập

861060