Qua làm việc, được biết diện tích trồng cà phê trong toàn xã hiện nay gần 1.500 ha đang bị bệnh và rệp, rầy phá hoại; mặt khác thiếu phân bón đầu tư, chăm sóc, cây không phát triển, năng suất thấp chiếm diện tích lớn; trong khi đó bà con nông dân chưa được các cơ quan chức năng huyện, tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, phân bón phải ngược lên Bảo Lộc mua các đại lý với lãi suất từ 15 - 20 %, đến mùa mang sản phẩm đến trả, có hộ không đủ sản phẩm trừ nợ nên nợ gối đầu. Ngoài cây cà phê, bà con nông dân còn phát triển cây ca cao diện tích khoảng 30 ha, hiện nay không ai mua sản phẩm; cây sầu riêng phát triển khá nhưng bị bệnh rĩ mũ.
Tiến sĩ Thanh đã trực tiếp tham quan vườn cà phê xen ca cao, sầu riêng với diện tích hơn 02 ha của anh Nguyễn Hữu Trí, Chi Hội trưởng nông dân thôn Đa Tro, thực tế cây trồng đang bị bệnh, thiếu phân như trao đổi tại xã. Tiến sĩ Thanh đã tặng một số thuốc thảo mộc Sông Lam 333 đặc trị một số loại bệnh, rệp, rầy trên cây trồng và hướng dẫn cách sử dụng.
Hướng đến thống nhất xã chọn 04 hộ nông dân có kinh nghiệm thực hiện mô hình, Công ty hỗ trợ (không thu tiền) gồm: phân vi sinh, vi lượng và thuốc đặc trị, sau đó Hội thảo đánh giá và nhân rộng mô hình. Hội Nông dân xã sẽ làm cầu nối để cung ứng phân, thuốc cho nông dân lâu dài trên cơ sở chương trình liên tịch giữa Hội Nông dân tỉnh với Công ty TNHH phân bón Sông Lam. Tiến sĩ Thanh sẽ tìm kiếm giới thiệu đối tác đến quan hệ với địa phương để mua cà phê, ca cao và các sản phẩm khác tại địa bàn để giúp đỡ bà con ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống.
Với kinh nghiệm của Tiến sĩ Phan Xuân Thanh, nguyên Viện phó Viện khoa học miền Nam, và hiện nay là Phó Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, khi về hưu ông đã cùng một số đồng nghiệp xây dựng 03 nhà máy phân bón, chế xuất thuốc trị bệnh từ thảo mộc tại: Thừa Thiên Huế, Cam Ranh, Củ Chi để mở mang thêm nền nông nghiệp Việt Nam bền vững; sản phẩm đã sử dụng cho cây tiêu, cà phê vùng Tây Nguyên từ 3 - 4 năm nay và cũng đã ứng dụng vào cây thanh long ở một số vùng: Ma Lâm, Hàm Đức, Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc); Hồng Thái, Hải Ninh, Bình An, Phan Rí Thành (Bắc Bình); Tân Hải (La Gi); Mương Mán, Hàm Minh, Hàm Thạnh, Tân Thành (Hàm Thuận Nam); Sông Phan (Hàm Tân), qua đánh giá mô hình rất có hiệu quả.
Mặc dù Tiến sĩ Phan Xuân Thanh nay đã 68 tuổi nhưng vẫn năng động, linh hoạt, gắn bó với nông dân, những điều ấy đặt ra niềm hy vọng cây cà phê ở vùng Đa Mi sẽ phục hồi sớm và cho sản lượng bình quân 4.000 tấn/năm thì đời sống, kinh tế, sinh hoạt của nông dân Đa Mi sẽ khấm khá hơn bây giờ.
Phan Tấn Khế
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận