Thăm mô hình sản xuất cây trôm của hộ chị Đến, phải khen ngợi, cảm phục người phụ nữ đảm đang, giàu nghị lực ý chí lao động, quyết tâm làm giàu chính trên mãnh đất quê hương mình. Mới đầu tư từ đầu năm 2011, trồng 0,3ha/ 700 cây trôm, nhờ thâm canh mà vườn trôm gia đình chị có năng suất, hiệu quả cao.
Đầu năm 2012 gia đình chị Đến tham gia vào "Tổ cây trôm Vĩnh Tân" được hỗ trợ vay với số tiền là 25.000.000đ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân, từ đó gia đình tiếp tục đầu tư vào cây trôm; đồng thời mở rộng trồng thêm 0,2 ha cây trôm. Nhờ có Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình có đủ điều kiện mua sắm thiết bị và đầu tư vào cây trôm, bên cạnh đó chịu khó học hỏi kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chịu khó chăm sóc, nên một năm sau cây trôm phát triển tốt. Riêng vụ thu hoạch vừa qua, sau khi trừ chi phí đã đem lại lợi nhuận trên 32.000.000đ (hiện thị trường địa phương đang có nhu cầu tiêu thụ khá lớn và có giá khoảng 70.000đ/kg mũ tươi, 190.000đ/kg mũ khô). Từ khi trồng cây trôm và tham gia vào "tổ nông dân phát triển cây trôm Vĩnh Tân" đã tạo công ăn việc làm cho gia đình chị có thu nhập khá hơn trước đây và có cuộc sống ổn định, vừa đảm bảo cuộc sống cho 5 nhân khẩu của gia đình, nhưng còn nuôi 3 đứa con đi học.
Đây chưa phải là khoản thu nhập cao, mà điều muốn nói ở đây là việc đầu tư đúng hướng, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh cũng như tìm hiểu tiếp cận thị trường cho đầu ra của cây trôm của gia đình. Mặt khác nhờ tham gia vào "Tổ nông dân phát triển cây trôm" gia đình được sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp hỗ trợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tập huấn kỹ thuật, quảng bá thị trường cho sản phẩm; được làm thành viên của tổ và là hội viên nông dân. Thành công của mô hình trên đã được nhân rộng, nhiều hộ gia đình, nhất là những hộ có đất sản xuất các loại cây trồng khác bấp bênh không hiệu quả về kinh tế, mạnh dạn đầu tư theo mô hình cây trôm và có nhiều hộ xin gia nhập "Tổ nông dân phát triển cây trôm Vĩnh Tân ".
Nguyễn Văn Công
Hội ND huyện Tuy Phong