Mặc dù thời tiết ít thuận lợi, có phần ảnh hưởng đến phát triển cây trôm, nhưng nhìn chung các hộ nông dân trong tổ cây Trôm có nhiều cố gắng trồng và chăm sóc cây Trôm; có những hộ cố gắng tìm tòi, học hỏi áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khai thác đất đai, vốn, sức lao động, quan tâm đến thị trường; sản xuất đạt chất lượng hiệu quả mủ trôm đáp ứng nhu cầu chất lượng tiêu dùng và tạo ra nhiều sản phẩm từ mủ trôm.
Hiện nay, tổ có 21 hộ trồng với 6,5 ha; đang thu hoạch 4 ha sản lượng 1.600 kg/ha/năm, giá trôm trung bình 70.000đ/kg. Đã thu hút 200 lao động trực tiếp có việc làm và thu nhập ổn định góp phần cải thiện kinh tế hộ. Sau khi thu hoạch trừ chi phí, có hộ thu nhập trung bình từ 27-30 triệu đồng/vụ. Nếu đầu tư 1ha cây Trôm, cây giống, công lao động, chi phí vật tư phân bón, vận chuyển đi lại với số vốn là 50 triệu đồng. Sau khi Trôm thu hoạch/vụ bán được 112 triệu đồng, như vậy lãi mỗi ha là 62 triệu đồng. Thu hút được 35 ngày công mùa vụ và công lao động trực tiếp có việc làm ổn định, góp phần cải thiện kinh tế hộ, có nhiều lao động tiếp thu được kỹ thuật trồng trôm, nếu so sánh với cây lúa thì cây Trôm thu nhập cao gấp 2 lần.
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 500 triệu đồng do Trung ương Hội đầu tư đã làm thủ tục cho hội viên nông dân của "Tổ nông dân phát triển cây Trôm Vĩnh Tân" vay trồng và chăm sóc cây Trôm. Trong số những hộ nông dân được vay vốn Quỹ HTND, qua sản xuất bước đầu, tự tính toán chi phí đều có lãi, đã có nhiều hộ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống như hộ: Võ Chắc, Võ Thị Đến, Lê Đủ,….
Việc thành lập tổ kinh tế "cây Trôm" trên địa bàn xã là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, giúp cho các hộ nông dân phát triển cây Trôm và tiêu thụ sản phẩm từ cây trôm, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, được đông đảo nông dân đồng tình ủng hộ. Mặt khác, làm ổn định về tình hình trật tự, an toàn xã hội. Tạo thuận lợi cho việc củng cố và xây dựng phát triển các tổ chức đoàn thể củng cố chi tổ hội, phát triển hội viên, làm cho hội viên gắn bó với tổ chức hội và uy tín của hội ngày càng được nâng lên. Số người được học hỏi và biết kỹ thuật trồng cây Trôm ngày càng nhiều.
Nguyễn Văn Toán
Hội ND huyện Tuy Phong