Cá chình có nhiều ở vùng biển quanh đảo Phú Quý và có rất nhiều loại như: cá chình bông, chình mun, chình tiêu, chình nghệ…con lớn nhất dài khoảng 1,5 m nặng đến cả chục kg. Người nuôi cá chình thu mua từ ngư dân đánh bắt và phải đảm bảo cá chình còn sống không bị trầy sướt với giá từ 50 – 60 nghìn đồng/kg. Họ thả nuôi trong các lồng bè, thức ăn là các loại cá tạp. Sau thời gian khoảng 2 tuần hoặc một tháng đủ số lượng theo đơn đặc hàng của các thương lái, thì người nuôi bắt đầu xuất bán cho thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Vũng Tàu, Thành phố Nha Trang và sang tận Trung Quốc. Sau khi trừ các loại chi phí người nuôi cá Chình còn lãi từ 20 – 30 nghìn đồng/kg. Anh Võ Văn Thạch – người nuôi cá chình tại thôn Đông Hải nói: “Hiện nay, cá chình của Phú Quý rất được nhiều khách hàng trong nước tiêu thụ, người ta đặt hàng với số lượng nhiều. Nhưng chúng tôi không có đủ số lượng để cung cấp”.
Hiện nay mô hình nuôi cá chình trên địa bàn huyện Phú quý chưa Phát triển mạnh. Ngoài hộ anh Võ Văn Thạch còn có cơ sở chuyên thu mua và nuôi cá chình của anh Nguyễn Ngợi. Anh cho biết, đây là một mô hình mới, nuôi cá Chình vốn đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và tỉ lệ rủi ro thất thoát không đáng kể. Đầu ra và giá cả rất ổn định. Tuy nhiên, mô hình này chỉ làm được từ tháng giêng đến tháng 6 (âm lịch) trong năm. Những tháng còn lại do biển động, ngư dân không thể đi đánh bắt cá chình được. Hơn nữa, ít người tham gia mô hình này là do khâu vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, phải đảm bảo lượng cá chình đến nơi tiêu thụ còn sống. Để đạt được hiệu quả cao đòi hỏi khâu gây mê phải đảm bảo đúng thời gian và nếu chuyến tàu gặp sự cố chậm 3-4 tiếng đồng hồ, thì số lượng hàng cá chình hôm đó bị lỗ”.
Cá chình Phú Quý không những là đặt sản xuất khẩu mà hiện nay nhiều du khách từ đất liền ra đảo cũng tìm đến, để được tham quan và thưởng thức món cá chình nấu cà ri. Từ khi Phú Quý có mô hình nuôi cá mú lồng bè kết hợp với nuôi cá chình xuất khẩu, nhiều ngư dân chuyển đổi từ mô hình đánh bắt truyền thống sang khai thác cá chình để bán cho người nuôi địa phương, góp phần tăng thu nhập ổn định. Nếu với đà phát triển và giá cả ổn định như hiện nay, thì huyện Phú Quý sẽ có nhiều hộ tham gia mô hình khai thác và nuôi cá chình biển bằng lồng bè và cá chình chính là sản phẩm góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững của người dân địa phương.
Hội Nông dân huyện Phú Quý