Nhân dịp đi công tác tại xã Suối Kiết, chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất đũa Thái Nguyên của anh Thái. Qua tiếp xúc được anh cho biết: cơ sở đứng vững cho đến ngày hôm nay là cả một quá trình rất là gian nan vất vả và tuy cơ sở hiện vẫn phát triển ổn định thị trường nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra và đang rất cần vốn. Anh thành lập cơ sở xuất phát về tạo nguồn thu nhập cho gia đình còn là từ nhu cầu việc làm của bà con người dân tộc thiểu số của xã. Ngày ấy thấy bà con dân tộc thiểu số ở đây không có việc làm, công lao động nhàn rỗi nhiều, gia đình rất khó khăn, tại xã Suối Kiết thì cây lá buông nhiều nhưng chưa có cơ sở nào sử dụng sóng lá buông để sản xuất đũa nên tôi đã rủ mấy người bạn cùng tham gia gầy dựng.
Năm 2001, anh đã cùng 6 người bạn rủ nhau góp vốn để mời thầy ở tỉnh Ninh Thuận có xưởng đũa về dạy nghề cho bà con (mỗi người 3 triệu đồng) và có thêm sự hỗ trợ của vợ anh là chị Nguyễn Thị Đông Thu đã tốt nghiệp tiểu thủ công nghiệp để cùng dạy, lớp có 40 nông dân người dân tộc thiểu số, thời gian học 01 tháng rưỡi.
Khi bắt đầu triển khai làm anh sản xuất thử đũa gỗ các loại bằng gỗ Trắc, Cẩm… vừa bán vừa để tặng, cho bạn bè. Do chưa có kinh nghiệm trong việc mua bán thời gian đầu không có lãi. Ngày công lúc này để trả cho bà con là 7.000 đồng/ngày. Sau một năm mới thành công, anh in tờ quảng cáo nhờ bạn bè tìm đối tác xuất hàng. Đến năm 2002, anh em trong tổ giao lại cho anh để làm Tổ trưởng, gia đình anh đã đầu tư mua 01 máy cắt, 3 máy làm nhám nhỏ, 01 máy làm nhám lớn, 01 máy đánh bóng gần 70 triệu đồng và lúc này mở thêm sản phẩm đũa làm bằng sóng lá buông. Song nguồn lá buông hiện nay tại địa phương không đủ để sản xuất phải mua thêm ở một số tỉnh trong và ngoài nước như: Biên Hòa, TP Hồ Chí Minh, Huế và Campuchia. Hiện nay, 01 tấn sóng lá có giá từ 10 - 12 triệu đồng, mỗi chuyến nhập về từ 5 - 8 tấn. Lao động thường xuyên tại cơ sở và gia công tại nhà có 24 lao động là bà con dân tộc thiểu số, ngày công từ 80.000 - 150.000 đồng.
Anh chia sẻ: làm đũa tận dụng được rất nhiều thời gian nhàn rỗi, do họ nhận về làm gia công tại nhà. Năm qua nhờ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã cho cơ sở anh vay 40 triệu đồng để mua nguyên liệu nên thu nhập của lao động cũng tạm ổn.
Chị Mang Thị Diệu đang làm tại cơ sở cho biết thêm “Chị có 03 người con, gia đình khó khăn nhờ làm việc tại cơ sở đũa anh Thái mà gia đình chị có thu nhập đều đặn hàng ngày khoảng 150.000 đồng, hiện nay đã có 01 cháu ra trường đang là giáo viên mẫu giáo, 01 cháu đang học cấp 3 và 01 cháu còn nhỏ…ở đây bà con rất quý mến gia đình anh Thái và biết ơn gia đình anh Thái đã tạo việc làm tăng thêm thu nhập…”.
Có thể nói cơ sở sản xuất đủa Thái Nguyên của anh Thái tuy chưa phải là lớn nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho lao động của địa phương, một vấn đề cả xã hội đang quan tâm và đang chung tay cùng giải quyết với mong muốn không còn tình trạng người lao động nông thôn thiếu việc làm và từng bước xóa nghèo bền vững. Anh thật sự xứng đáng là tấm gương người hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thị Xuân
Hội ND huyện Tánh Linh