Mô hình lò đốt rác thải tại hộ gia đình ở Hội Nông dân xã Thuận Hòa và Hàm Chính và một số xã khác
Qua triển khai vận động hộ dân xây dựng lò đốt rác, các hộ đều đồng tình hưởng ứng, mỗi lò đốt rác được xây bằng đá chẻ có thể tích 01 mét khối, kinh phí đầu tư gần 1 triệu đồng/lò. Ngoài ra, nông dân còn được hướng dẫn phân loại rác như: rác hữu cơ sẽ được ủ để làm phân bón cho cây trồng, rác thải rắn như nhôm, nhựa gom lại bán phế liệu, rác thải còn lại mới đem vào lò để đốt.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên, đến các hộ nông dân trên địa bàn các xã, thị trấn, đến nay đã xây dựng được 87 lò đốt rác thải với 87 hộ dân ở các thôn, khu phố tham gia; đi đầu trong xây dựng mô hình này Hội Nông dân xã Hồng Liêm 24 lò, Thuận Hòa 20 lò, Hàm Chính 13 lò…
Có được kết quả trên, trước tiên cán bộ, hội viên nông dân các xã, thị trấn đi đầu trong thực hiện mô hình, theo đó nông dân thấy được việc thực hiện mô hình là có lợi cho sức khỏe, đảm bảo môi trường xung quanh, nâng cao đời sống cho nông dân nên tích cực tham gia. Phải nói mô hình lò đốt rác, xử lý rác thải tại hộ gia đình là việc làm đơn giản, dễ thực hiện, không tốn diện tích đất, giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt của các gia đình và hạn chế gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm cho bộ mặt khu dân cư thêm sạch đẹp, khang trang; từng bước góp phần bảo vệ môi trường trong lành ở khu dân cư.
Song song với mô hình này, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt Chỉ thị số 02-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát động Cuộc vận động “Người dân Hàm Thuận Bắc không xả rác thải bừa bãi”, đã có 23.960 hội viên nông dân đăng ký cam kết thực hiện, đạt 81,6% so với hộ hội viên; vận động xây dựng 177 tổ nông dân tham gia “Bảo vệ môi trường nông thôn”, có 1.922 người tham gia.
Thông qua các mô hình trên, ý thức của hội viên, nông dân về giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên, duy trì thường xuyên phong trào vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi không đúng nơi quy định, cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Thiết nghĩ, các mô hình này là khá phù hợp, cần tiếp tục được phổ biến và nhân rộng, là “điểm nhấn”trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khu dân cư kiểu mẫu của xã nông thôn mới nâng cao./.