Quang cảnh hội thảo
Trong những năm qua, sản xuất thanh long có những bước phát triển khá toàn diện góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà, đã góp phần to lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp; cây thanh long đã trở thành cây “làm giàu”, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng thanh long, tạo việc làm cho hàng vạn hộ nông dân sản xuất, cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, đóng gói, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, là sản phẩm chủ lực quan trọng góp phần nâng cao nguồn thu cho ngân sách địa phương và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường tiêu thụ thanh long còn bấp bênh, chưa bền vững và chủ yếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về xuất khẩu chính ngạch lẫn buôn bán biên mậu nên gặp nhiều rủi ro, nhất là mỗi khi thị trường này có biến động, giảm nhập hàng là thanh long bị tồn đọng, giá cả hạ thấp, nông dân thua lỗ.
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội thảo
Hiện nay, với yêu cầu của thị trường về chất lượng hàng hóa nông sản và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Do vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận, tăng thu nhập của nông dân, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận thì việc phát triển sản xuất thanh long theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, bền vững. Nắm được xu thế này, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vận động, tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ chính sách phát triển cây thanh long bền vững, hướng cho nông dân tập trung sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm nông nghiệp nói chung và cây thanh long nói riêng luôn được cấp Hội Nông dân trên địa bàn Bình Thuận tích cực chủ động phối hợp và trực tiếp triển khai thực hiện; các cấp Hội chú ý đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, dạy nghề, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh phát triển. Nhằm từng bước nâng cao nhận thức tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Peter Prins, Chuyên gia tư vấn dự án phát biểu thảo luận.
Để triển khai các nội dung chương trình Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới. Tại hội thảo này, với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những kết quả của các mô hình thí điểm trong việc chăm sóc cây thanh long trong thời gian qua, qua đó làm cho người dân hiểu rõ tác dụng, lợi ích thiết thực của Dự án như: Công tác chuyển giao các quy trình canh tác, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất có ý nghĩa quan trọng góp phần để bà con nông dân trồng thanh long tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; thông qua hội thảo và qua sử dụng thực tế sẽ nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của tất cả các quý vị đại biểu về phương hướng và giải pháp phát triển cây thanh long bền vững tỉnh nhà. Đây là tín hiệu vui trong việc ứng dụng công nghệ đem lại lợi ích kinh tế cao, tăng khả năng xuất khẩu cho bà con nông dân, sẽ được nhân rộng trong thời gian tới./.