TIN MỚI

Nâng cao chất lượng Phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Tánh Linh

         Tánh linh là một huyện miền núi, trên 80% dân số sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn được huyện quan tâm chỉ đạo nhằm giúp nông dân vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

          Hàng năm, huyện đã thường xuyên rà soát củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ), tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đoàn viên, hội viên, nông dân; phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo mở hội nghị triển khai phát động, đăng ký danh hiệu hộ nông dân SX KD giỏi, phối hợp tổ chức bình xét hộ nông dân đạt danh hiệu các cấp, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào.

(Hội nghị Tổng kết Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi toàn huyện lần thứ X, giai đoạn 2017-2022)

          Giai đoạn 2017-2022, đã tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần đó, huyện đã xác định các loại cây trồng chủ lực như: lúa, bắp, điều, cao su; vật nuôi chủ lực: Trâu, bò, gia cầm và phát triển thủy sản nước ngọt để nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù của địa phương. Qua đó, đã định hình và nâng cao giá trị vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên sản xuất lúa giống xác nhận tập trung trên 3.000ha. Ký kết hợp tác với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa giống. Đồng thời chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn, trên đất lúa kém hiệu quả để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Năm 2021, triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy (khóa IX) về “Mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp giai đoạn 2021-2025” mà trọng tâm là đẩy mạnh hình thành các HTX, Tổ hợp tác để làm cầu nối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa Doanh nghiệp và các hộ nông dân; xây dựng nhãn hiệu “gạo Tánh Linh” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ như: sản xuất gạch Hoffman ở làng nghề Gia An; nghề đan mây tre ở Măng Tố, sản xuất đũa tre, đũa sóng lá ở La Ngâu, Suốt Kiết tạo được việc làm cho lao động nông thôn.

        Hội Nông dân huyện là Cơ quan Thường trực BCĐ đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp để tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo và dạy nghề cho nông dân, đã mở được trên 200 lớp/12.000 lượt nông dân tham gia. Thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân huyện và Ngân hàng Nông nghiệp PTNT Tánh Linh đã ký kết chương trình phối hợp liên tịch, thành lập các tổ liên doanh vay vốn, giúp cho hộ nông dân vay vốn sản xuất. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Tánh Linh đã ưu tiên cho hộ nông dân vay vốn phục vụ sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, mức tăng trưởng cho vay năm sau cao hơn năm trước, riêng dư nợ cuối năm 2021 là trên 4.900 tỷ đồng, cho trên 16.800 lượt khách hàng là nông dân vay. Ngoài các nguồn vốn của các Ngân hàng, các cấp Hội  Nông dân trong huyện còn vận động các nguồn vốn từ những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để xây dựng Quỹ tương trợ, Quỹ Hỗ trợ Nông dân để giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ các nguồn vốn đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân trong tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất được tiếp cận các nguồn vốn, để đầu tư phát triển kinh tế, nhiều hộ khó khăn đã thoát nghèo và vươn lên khá, giàu.

        Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế trang trại, xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhiều mô hình mới đã xuất hiện và được nhân rộng như: Mô hình nhân giống lúa xác nhận, mô hình sản lúa chất lượng cao theo liên kết chuỗi, mô hình trồng cao su, mô hình trồng cây ăn trái, mô hình nuôi cá nước ngọt, mô hình chăn nuôi bò, mô hình đậu bắp, ớt quả, đậu các loại, trên đất lúa kém hiệu quả gắn với liên kết tiêu thụ.

        Mô hình trồng cây lương thực đối với cây lúa: Diện tích gieo trồng cây lúa trên địa bàn Tánh Linh bình quân hàng năm đạt từ 24.000 ha - 24.500 ha, mỗi năm sản xuất 2 - 3 vụ, diện tích gieo trồng bình quân mỗi vụ 7.500 ha - 9.000 ha, trong đó, hình thành 1.200ha cánh đồng mẫu lớn trên 3.000 ha vùng lúa chất lượng cao, diện tích thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ có ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp đạt từ 1.200 ha - 1.300 ha/năm. Hàng năm, hợp tác với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long khảo nghiệm được từ 5 - 8 giống lúa mới và triển vọng để đánh giá tính thích nghi nhằm đề xuất đưa vào cơ cấu giống lúa của huyện. Trong đó, đã sản xuất từ 200 ha - 250 ha lúa giống các loại, với sản lượng 900 - 1.200 tấn lúa giống do Viện lúa liên kết tiêu thụ, còn lại cung cấp một lượng lớn lúa giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện của địa phương để cung ứng tại chỗ cho nông dân. Điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ để né lũ, hạn chế thiệt hại. Thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả ở vụ Đông - Xuân (gần 4.000 ha) như: mô hình 2 lúa 1 màu, gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ đem lại thu nhập cao cho nông dân như: sản xuất hạt giống rau, màu các loại, hạt đậu xanh giống, ớt, đậu bắp Nhật, bắp sinh khối… bình quân thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có mô hình từ 70-80 triệu đồng/ha/năm.

          Qua bình xét toàn huyện có 6.988 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp; trong đó cấp Trung ương 25 hộ, cấp Tỉnh  292 hộ, cấp Huyện 821 hộ, cấp xã 5.850 hộ. Từ phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Tháng 5/2022, Ban Chỉ đạo Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi của huyện Tánh Linh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào, giai đoạn 2017-2022 theo kế  hoạch của BCĐ tỉnh. Tại hội  nghị đã khen thưởng cho 06 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào để tôn vinh, động viên, khích lệ tinh thần và nhân rộng các điển hình trên địa bàn huyện.

          Trong 5 năm qua, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã có tác động tích cực đến việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của huyện Tánh Linh đã có những khởi sắc, khang trang, nhiều khu dân cư được định hình theo hướng đô thị, kết cấu hạ tầng được nâng cấp. Đến cuối năm 2022, huyện Tánh Linh có 9/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 75%. Tánh Linh đã có 4 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được công nhận 3 sao cấp tỉnh (gồm các sản phẩm từ gạo Đức Lan (có 2 sản phẩm), Thịt thỏ sấy gác bếp và Chả cá Thát lát).

         Từ thực tiễn chỉ đạo, triển khai Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi của địa phương thời gian qua, BCĐ của huyện rút ra một số kinh nghiệm sau:

        - Một là : Ban Chỉ đạo phải phân công trách nhiệm cụ thể và Hội Nông dân là cơ quan Thường trực phải phát huy vai trò nòng cốt của mình. Các thành viên BCĐ phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham mưu cho chính quyền; tranh thủ sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhất là ngành nông nghiệp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào.

       - Hai là: Phải quan tâm đúng mức công tác vận động, tuyên truyền, đúc kết thực tiễn, nhân rộng các mô hình. Cán bộ, hội viên, nông dân phải nắm rõ đường lối chủ trương,chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải có ý chí vươn lên, chịu khó học hỏi; xoá bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.

      - Ba là: Chú trọng công tác, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ đoàn thể cơ sở (trong đó có Hội Nông dân) để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; từng  bước đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể các cấp.

        Với những kết quả đã đạt được trong thời  gian qua, cùng với sự nỗ lực của cả  hệ thống chính trị từ  huyện đến cơ sở; chúng ta tin tưởng trong giai đoạn 2022-2027, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện sẽ có chuyển  biến tích cực hơn nữa, góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương./.


Các tin khác

Lượt truy cập

690130