TIN MỚI

Hiệu quả từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh, doanh giỏi huyện Hàm Thuận Bắc giai đoạn 2017- 2022

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững huyện Hàm Thuận Bắc là phong trào thi đua trọng tâm và xuyên suốt của Hội. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp trong huyện luôn quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả đến cán bộ, hội viên nông dân; có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc phát động, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua; trong công tác chỉ đạo ngày càng cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở, quan tâm lựa chọn xây dựng điển hình và biểu dương các điển hình tiên tiến. Các nội dung, chương trình thi đua ngày càng thiết thực, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân. Hàng năm Hội Nông dân huyện luôn quan tâm chi đạo, hướng dẫn cơ sở Hội kiểm tra, đánh giá, bình xét, phân loại và biểu dương, khen thưởng kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng trực tiếp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm theo hướng an toàn. Từ kết quả đó đã khuyến khích, động viên, hỗ trợ thực hiện phong trào ngày càng tốt hơn. 

Ông Đặng Minh Thành: Nông dân SXKDG thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí chăm sóc đàn bò và đàn dê của gia đình anh nhờ nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện.

Ông Đặng Minh Thành: Nông dân SXKDG thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí chăm sóc đàn bò và đàn dê

của gia đình anh nhờ nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi luôn gắn với việc tổ chức thực hiện chương trình phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như:  Phát triển hiệu quả vùng trồng lúa, chăn nuôi đàn bò, đàn dê, đàn heo… cây con giống, chất lượng cao…Cơ cấu cây trồng lợi thế tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; chuyển đổi 377 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác tăng hiệu quả sử dụng đất như sản xuất rau màu, dưa hấu và đậu phụng; một số mô hình khuyến nông, mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được triển khai. Về sản xuất thanh long xuất hiện mô hình trồng giống mới với diện tích lớn, gắn với chương trình sản xuất bền vững như HTX thanh long Trung bình, xã Hàm Đức đã trồng trên 100 ha thanh long Kim Long (võ vàng, ruột trắng); duy trì các hình thức sản xuất và tiêu thụ trái thanh long tươi.

  Các cấp Hội đã vận động, xây dựng và củng cố 272 Tổ hợp tác liên kết trong nông nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là Tổ hợp tác rau an toàn (Phú Long), có diện tích canh tác 6 ha, với 21 thành viên, bình quân thu nhập 250 triệu đồng/hộ/năm và Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 6 (Hàm Đức), có diện tích canh tác 1,3 ha, với 12 thành viên, bình quân thu nhập 415 triệu đồng/hộ/năm…. Phối hợp tổ chức mở 1.082 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 54.424 lượt nông dân tham dự, với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc BVTV hỗ trợ cho nông dân số lượng 210 tấn, số tiền 3,822 tỷ đồng; Hội phối hợp với các Trung tâm dạy nghề vận động, tuyên truyền, làm hồ sơ tuyển sinh... đã mở được 109 lớp cho 3.112 lao động; các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như sản xuất, chăn nuôi, cây ăn quả...  Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên khó khăn được chỉ đạo thực hiện thường xuyên; với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho hội viên nông dân vay 136,534 tỷ đồng/115 tổ/1.691 hộ vay; Ngân hành Chính sách xã hội huyện là 114,008 tỷ đồng/84 tổ/3.805 hộ vay; Nguồn Quỹ HTND do Hội Nông dân các cấp xây dựng và đang quản lý là 4.445,435 triệu đồng cho vay 260 hộ vay. Nhờ các nguồn vốn trên, nhiều hộ nông dân đã mở rộng quy mô sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, có thêm việc làm và có nhiều hộ từ khó khăn vươn lên, thoát được nghèo và làm giàu. 

Qua 5 năm thực hiện phong trào, những hộ nông dân SXKDG đã phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, trực tiếp giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo; đặc biệt là tạo thêm việc làm cho 46.087 lượt lao động. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ hơn 1.374 lượt hội viên nông dân, số tiền 2,788 tỷ đồng và hơn 988 ngày công lao động và giúp 277 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, các hộ nông dân đóng góp xây dựng Quỹ “vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện đề ra; nhất là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong mùa dịch bệnh Covid-19, các cấp Hội trong huyện đã vận động đóng góp giúp đỡ, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 số tiền 1,2 tỷ đồng; trong 5 năm qua, với phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, nông dân đã đóng góp gần 41 tỷ đồng, với 12.686 ngày công lao động, làm mới và sửa chữa gần 200 km giao thông, nạo vét gần 600 km kênh mương nội đồng, sửa chữa 4 cầu; vận động nông dân hiến gần 2.400 m2 để làm đường giao thông thôn xóm.… Mô hình “Sáng , xanh, sạch, đẹp” được nhân rộng ở nhiều xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.    

(Mô hình tổ hợp tác kinh tế chăn nuôi bò tại thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa được hỗ trợ từ nguồn vốn 

Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương  điển hình hộ anh Nguyễn Văn Hải và anh Hà Minh Tiệp).

Hiệu quả của phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng được lan tỏa rộng khắp, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Kết quả, trong 5 năm đã bình xét và tôn vinh 10.829 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; Trong đó: 20 hộ đạt cấp Trung ương, 466 hộ đạt cấp tỉnh, 1.488 hộ đạt cấp huyện, 8.855 hộ đạt cấp cơ sở; tăng 672 hộ so với giai đoạn 2014-2017. Trong đó, nhiều hộ có mô hình cho thu nhập cao như: Hộ ông Đinh Xuân Đào ở thôn 2 (Hàm Đức), canh tác 25.000 trụ thanh long, kết hợp mua bán thanh long, thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm; Hộ ông Nguyễn Văn Thành, khu phố Lâm Giáo (Ma Lâm), trồng thanh long kết hợp sản xuất, kinh doanh bún, bánh phở, thu nhập trên 1,4 tỷ đồng/năm. Từ kết quả của phong trào đã khẳng định rõ vai trò của Hội trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến hiệu quả của phong trào. Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên nông dân nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của phong trào; đồng thời cần tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, nhân rộng những tập thể, cá nhân được tôn vinh khen thưởng vì đây là những tấm gương sáng, là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền vận động và thực hiện tốt các phong trào thi đua của các cấp Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc ngày càng vững mạnh./.

Nguyễn Thị Bảy - PCT Hội Nông dân huyện HTB


Các tin khác

Lượt truy cập

691439