Giai đoạn 2017-2022, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau và giảm nghèo bền vững (phong trào) trên địa bàn thành phố đã phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng. Năm 2017, toàn thành phố có 5.933 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 1.720 hộ đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp (cấp phường, xã đạt 1.328 hộ, cấp thành phố đạt 243 hộ, cấp tỉnh đạt 142 hộ, cấp Trung ương đạt 07 hộ). Năm 2022, số hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi đã tăng lên đến 1.922 hộ (cấp phường, xã đạt 1.555 hộ, cấp thành phố đạt 273 hộ, cấp tỉnh đạt 84 hộ, cấp Trung ương đạt 10 hộ); số hộ sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm là 1.555 hộ; thu nhập từ 300 đến trên tỷ đồng/năm có 367 hộ.
Ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu khai mạc hội nghị.
Phong trào đã phát huy được tính tự chủ của kinh tế hộ gia đình, tích cực lao động, học tập phương thức làm ăn mới, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình không cam chịu đói nghèo quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; điển hình như hộ: Ông Nguyễn Gạc- Hưng Long sở hữu 03 chiếc tàu với tổng công suất là 1.540 CV đánh bắt xa bờ. Mức thu nhập bình quân mỗi khẩu là 17 triệu/tháng. Tạo việc làm cho trên 30 lao động với thu nhập bình quân hàng tháng từ 5- 10 triệu đồng/người/tháng, cá nhân Ông và đội tàu tích cực tham gia công cuộc bảo vệ biển đảo và tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp hỗ trợ người khó khăn, xây dựng công trình giao thông tại địa bàn khu dân cư. Hộ ông Lê Đăng Huynh - Phú Thủy đã mở doanh nghiệp thương mại dịch vụ Tấn Hưng chuyên gia công, chế biến hàng nông sản và kinh doanh khách sạn. Tạo công việc ổn định cho 50 lao động địa phương với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng; Đóng thuế nhà nước trên 300 triệu đồng/năm; Thường xuyên làm công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt, dịch bệnh và hỗ trợ phong trào của địa phương. Nông dân Nguyễn Thanh Lâu - thôn Thiện Trung xã Thiện Nghiệp, ban đầu điều kiện khó khăn chỉ nuôi 2 con nái với sự chịu khó, học hỏi, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: chất lượng giống, thuốc thú y, thụ tinh nhân tạo.., đến nay khu chăn nuôi với diện tích 5.000 m2 với tổng đàn heo trên 20 con heo nái, 200 con heo thịt, heo giống 100 con; khu chăn nuôi trang bị đầy đủ các hầm chứa, hầm bioga không để gây ảnh hưởng môi trường, từ mô hình chăn nuôi hàng năm hộ đã cung cấp hàng trăm con heo, con giống cho các hộ chăn nuôi trong toàn xã và các vùng lân cận.
Ông Đặng Thanh Tấn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố báo cáo kết quả phong trào.
Qua tác động của phong trào đã động viên các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, cải tạo năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao công suất tàu thuyền. Kết quả đến nay kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng, ngư dân đầu tư cải tiến, đóng mới tàu thuyền theo hướng công suất lớn để vươn khơi đánh bắt. Cuối năm 2017 toàn thành phố có 1.689 chiếc/ 263.339 cv; bình quân là 155,9 cv/chiếc; đến cuối năm 2021, năng lực tàu cá trên địa bàn Phan Thiết tăng công suất lên 2.214 tàu/307.804 cv, bình quân công suất: 139,03 cv/tàu; năng lực tàu thuyền đã chuyển sang công suất lớn, trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ trong khai thác hải sản xa bờ, dài ngày, giảm dần tàu thuyền có công suất nhỏ đánh bắt ven bờ. Sản lượng khai thác hàng năm duy trì trên 57.000 tấn đã tạo nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, du lịch. Nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả. Bộ mặt nông thôn có chuyển biến và thay đổi rõ nét trên tất cả các mặt; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phát triển nhanh; nhận thức nông dân đã chuyển biến rõ sang tư duy sản xuất hàng hóa, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Thu nhập và đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập đầu người tăng từ 41,6 triệu đồng năm 2015 tăng lên 58,8 triệu đồng năm 2020.
Ông Phạm Thanh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Từ kết quả của phong trào đã tác động hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển, nhân dân có thu nhập ổn định hơn, có tích lũy, đời sống được cải thiện về vật chất lẫn tinh thần. Phong trào đã động viên, khuyến khích các hộ nông dân giỏi đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các nguồn quỹ ở địa phương. Cụ thể như trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua hội viên, nông dân đã tham gia đóng góp trên 19 tỷ đồng và trên 685 ngày công cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó đã làm mới và sửa chữa 30 km đường giao thông nông thôn, 4,8 km đường điện thắp sáng, 400m kênh mương được sửa chữa, 6,7 km cống thoát nước…. Ngoài ra với truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái cùng giúp nhau phát triển kinh tế, cùng với sự đồng cảm của người đã vượt qua được đói nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã nhiệt tình hỗ trợ giúp đỡ các hộ nông dân, ngư dân còn khó khăn vươn lên với nhiều hình thức như giúp vốn xoay vòng không tính lãi, giúp mua cây con, giống, vật tư, phân bón trả chậm…, từ đó giúp các hộ nông ngư dân có điều kiện sản xuất góp phần cùng thành phố thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo trao giấy khen cho các hộ tiêu biểu.
Tại hội nghị, UBND thành phố đã biểu dương, khen thưởng 7 cá nhân; Hội nông dân thành phố đã biểu dương, khen thưởng 33 cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu giai đoạn 2017-2022./.
Văn Năm-HND tỉnh