Thực hiện quan điểm chỉ đạo trên, những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các Hợp tác xã (HTX) và Tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện đã có sự phát triển tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà. KTTT trong nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thông qua các mô hình KTTT trong nông nghiệp đã thúc đẩy sức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn huyện Tánh Linh.
Tham gia xây dựng và phát triển KTTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân trong huyện đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028; là một điểm nhấn trong đổi mới nội dung, phương thức thức hoạt động của tổ chức Hội; gắn liền với xây dựng giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Hội nghị thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bắc Ruộng
Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Thường vụ Hội Nông dân Tỉnh, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã quan tâm, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Trong năm 2024, Hội Nông dân huyện chỉ đạo và hướng dẫn các hội cơ sở đầu tư hỗ trợ từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để thành lập mới được 07 Chi hội nghề nghiệp, 11 Tổ Hội nghề nghiệp, tổng số đến nay trên địa bàn huyện có 11 chi hội nghề nghiệp, 22 Tổ hội nghề nghiệp (đây là nền tảng để xây dựng, hình thành các THT và HTX). Cùng với đó trong năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp hướng dẫn, giúp đỡ thành lập mới 03 HTX và 03 tổ hợp tác. Đến nay toàn huyện có 18 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở các xã, thị trấn, 02 Quỹ tín dụng nhân dân ở Nghị Đức, Lạc Tánh và 22 tổ hợp tác về thủy lợi, trồng cây ăn trái và sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.
Nhiều Chi, tổ hội nghề nghiệp do Hội Nông dân xây dựng, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và các cơ quan, ban ngành đã phát triển thành các THT, HTX hoạt động hiệu quả như: HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đức Bình với sản phẩm gạo hữu cơ ST25, OM 18; HTX dịch vụ nông nghiệp xã Gia An với sản phẩm gạo hữu cơ OS20; HTX dịch vụ nông nghiệp xã Bắc Ruộng với sản phẩm gạo hữu cơ ST25, Tổ hợp tác nuôi cá Chình xã Gia An với sản phẩm cá Chình chất lượng cao; HTX trồng Sầu riêng xã Đức Phú với sản phẩm Sầu riêng sạch. Đây là những sản phẩm hàng hóa đươc thị trường chấp nhận và đánh giá cao.
Nhìn chung các mô hình kinh tế tập thể của huyện đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân; điển hình như mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao thực hiện ở các xã trên diện tích 3000 ha lúa chất lượng cao. Với phương thức doanh nghiệp ứng giống, vật tư, kỹ thuật thu mua sản phẩm sau thu hoạch giá cao hơn thị trường theo từng thời điểm, trong đó các THT, HTX làm nòng cốt hình thành liên kết như: HTX nông nghiệp dịch vụ nông nghiệp xã Đức Bình, Đức Phú; Lạc Tánh; Gia An và một số tổ hợp tác sản xuất khác ở xã Măng Tố, xã Huy Khiêm, xã Đồng Kho, xã Đức Bình. Các THT, HTX áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phát huy năng lực các công trình thuỷ lợi và máy bơm nên năng suất, sản lượng lương thực của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Các chương trình nhân giống lúa của tỉnh và huyện đầu tư đã cung cấp các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương đã được đưa vào sản xuất cùng với việc áp dụng kỹ thuật thâm canh gieo sạ nên tiết kiệm được giống, hạn chế được sâu bệnh trên cây lúa. Các mô hình 3 tăng 3 giảm, từng bước được nhân rộng, khuyến khích nông dân tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ cho nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. Đến tháng 9/2024, huyện Tánh Linh đã có 14 sản phẩm được đánh giá OCOP 3 sao cấp huyện và 02 sản phẩm đề xuất đánh giá OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 136-KH/HU ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Huyện ủy Tánh Linh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 14/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 56 -KH/HNDT ngày 21/6/2024 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận về triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích сực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất: Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của KTTT, nhất là hợp tác xã kiểu mới trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Thứ hai: Xây dựng và phát triển các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Thứ ba: Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội và nguồn nhân lực phát triển KTTT để thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác. Thứ tư: Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, xây dựng và nhân rộng các mô hình KTTT trong nông nghiệp.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; chúng ta tin tưởng trong thời gian đến, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện sẽ có chuyển biến tích cực hơn nữa, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025./.