Các cấp Hội Nông dân trong huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, hội viên nông dân. Qua đó, nhiều hội viên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức đúng về sự phối hợp, liên kết nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với khi làm đơn lẻ; các Chi hội, Tổ hội được thành lập dựa trên các tiêu chí 5 “cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 6 Chi hội nghề nghiệp với 168 hội viên nông dân tham gia và 42 Tổ hội nghề nghiệp với 507 hội viên nông dân tham gia.
Nổi bật có Tổ hội nghề nghiệp thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm đã tổ chức vận động 15 hội viên tham gia thực hiện mô hình, lập thủ tục vay vốn từ Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 300 triệu đồng để thực hiện mô hình; ông Nguyễn Văn Thanh, hội viên tổ hội Chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hồng Liêm, cho biết: “Khi nắm bắt được thông tin về Nghị quyết số 04, tôi đồng thuận cao và chủ động xin tham gia”, từ chỗ chăn nuôi đơn lẻ, hiện các thành viên trong tổ đã mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, vệ sinh chuồng trại và phòng trừ các loại dịch bệnh…Từ đó, trong Tổ hội của tôi, mỗi hộ gia đình có ít nhất 5 con bò, hiện gia đình tôi đã có hơn 20 con bò cái sinh sản, mỗi năm bán bò thu nhập được từ 80- 100 triệu đồng, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, tăng thu nhập hộ gia đình.
Tại xã Thuận Hòa, sau khi rà soát, khảo sát, nắm rõ tình hình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, Hội Nông dân xã đã chọn Tổ hội Nông dân thôn Dân hiệp để thành lập Tổ hội chăn nuôi bò với 10 thành viên tham.
Mô hình chăn nuôi bò của vợ chồng bà Nguyễn Thị Sen, thôn Dân Hòa xã Thuận Hòa
Thông qua việc thực hiện Nghị quyết xây dựng Chi, Tổ Hội nghề nghiệp, hội viên nông dân còn được hỗ trợ vốn ban đầu, mỗi hộ vay từ 20-30 triệu đồng, từ nguồn của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi như trước đây, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và từng bước giảm nghèo bền vững ở các địa phương. Các Chi, Tổ Hội nghề nghiệp được thành lập đã giúp hội viên nông dân học hỏi những cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, chăn nuôi của nông dân, từ đó lựa chọn những mô hình, lĩnh vực phù hợp của mỗi địa phương và nhu cầu tham gia của hội viên, nông dân trên địa bàn để thành lập và nhân rộng mô hình này; phấn đấu đến năm 2028, thành lập mới 10 Chi hội và 50 Tổ hội nghề nghiệp đáp ứng với tình hình thực tế của địa phương./.