Tổ chức quán triệt Quyết định 81 và phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông qua công tác hoà giải, đối thoại trực tiếp cho cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân có 493 lượt người tham dự; tổ chức tập huấn được 05 lớp/223 người tham dự. Thường trực HĐND và Lãnh đạo UBND huyện tổ chức tiếp 1.259 lượt/1.787 công dân, chủ yếu là khiếu nại về chính sách bồi thường về dự án Sông Dinh 3, đường Cao tốc, đường điện Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây… Tiếp nhận 1.036 đơn/963 vụ (Thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện 603 đơn/ 547 vụ, không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện 496 đơn/446 vụ); đã giải quyết 587 đơn/534 vụ, đang giải quyết 16 đơn/13 vụ. Hiện nay, toàn huyện có 53 tổ hòa giải ở thôn, khu phố với 365 thành viên, củng cố 24 tổ; có 10 ban hòa giải ở xã, thị trấn/ 82 thành viên, đã củng cố 10/10 ban hòa giải ở xã, thị trấn. Trong 05 năm qua phối hợp UBND, các ngành, đoàn thể ở cơ sở hoà giải thành 1.612/1.694 vụ việc, tỷ lệ 95%, số vụ không thành chuyển cấp trên là 82 vụ, tỷ lệ 5%. Cơ sở có tỷ lệ hòa giải thành cao là xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Phúc, Tân Xuân, thị trấn Tân Minh.
Hội Nông dân huyện và cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 142 buổi/ 7.192 lượt hội viên, nông dân tham dự; phối hợp tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được 512 cuộc/ 11.047 lượt người; phối hợp tổ chức 04 lớp tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở với 981 lượt người tham dự, nhằm điều kiện cho cán bộ Hội và các thành viên trong ban hòa giải, tổ hòa giải nắm vững kiến thức và kinh nghiệm để tham gia giải quyết tốt, kịp thời các mâu thuẫn ở cơ sở. Củng cố duy trì Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại thị trấn Tân Nghĩa với 08 tổ/40 thành viên, còn lại các cơ sở chưa xây dựng. Xây dựng được 30 tủ sách pháp luật/10 xã, thị trấn và các đơn vị, 150 ngăn sách pháp luật với hơn 700 đầu sách pháp luật đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức pháp luật của cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật 124 người là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động chấp hành pháp luật ở địa phương. Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức được 12 đợt trợ giúp pháp lý cho nông dân vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là tư vấn pháp luật cho nông dân ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp như Tân Nghĩa, Tân Phúc, Tân Đức, Sông Phan, Tân Hà, Tân Xuân…, giúp nông dân giải tỏa nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong tranh chấp trên lĩnh vực đất đai, bồi thường giải tỏa. Hội Nông dân cơ sở phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp nhận 1.427 vụ. Kết quả đã giải quyết được 1.326 vụ/ 1.427 vụ đạt tỷ lệ 92,9%.
Nhìn chung, Ban Chỉ đạo Quyết định 81 của huyện và cơ sở thể hiện vai trò trách nhiệm đối với việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nông dân; kịp thời củng cố kiện toàn, bổ sung quy chế, phân công nhiệm vụ sát với tình hình thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, trợ giúp pháp lý được tổ chức thường xuyên; nội dung tuyên truyền gắn với nhu cầu của nông dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp. Công tác phối hợp giữa Hội với các cấp chính quyền, các ngành trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân từng bước đi vào nề nếp và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số mặt hạn chế như: một số cơ sở chưa quan tâm rà soát củng cố Ban Chỉ đạo theo quy định; công tác phối hợp giữa chính quyền, các ngành với Hội Nông dân có nơi, có lúc chưa tốt, thiếu chặt chẽ; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa cao trong việc tiếp dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
Đỗ Minh Trinh - HND Hàm Tân