Cấp tỉnh, huyện lập mới Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát Quỹ, có con dấu riêng của Ban Điều hành. Các huyện, thị, thành Hội hoàn thành việc chuyển vốn Quỹ cấp cơ sở về huyện quản lý. Việc điều hành vốn thực hiện hợp lý, vốn cho vay đúng đối tượng, mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn, thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất; việc cho vay thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dânTrung ương Hội. Việc mở sổ sách, lập chứng từ kế toán, việc thu, chi phí của Quỹ được thực hiện đúng quy định. Hầu hết các hộ vay đều thực hiện nghiêm các quy định về vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo trả phí đúng thời hạn, giúp Quỹ HTND thực hiện thu hồi vốn vay nhanh, kết thúc các chu kỳ cho vay không có tình trạng nợ xấu, chiếm dụng vốn từ nguồn Quỹ HTND. Đối với các cơ sở, hàng năm, cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất về hoạt động quản lý và cho vay vốn Quỹ HTND cũng như các nguồn quỹ cho vay do HND quản lý. Qua kiểm tra, từ công tác cho vay, tiến hành các thủ tục giải ngân, quản lý sử dụng vốn vay cho đến việc cập nhật, lưu giữ hồ sơ, sổ sách,… các cơ sở thực hiện tương đối tốt. Tổng vốn nguồn Quỹ HTND trong tỉnh hiện nay hơn 17,7 tỷ đồng, giải quyết cho 1.760 hộ vay, trong đó các xã nông thôn mới là 4,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: các dự án, mô hình được đầu tư tuy có chọn điểm, nhất là ưu tiên các xã nông thôn mới, nhưng vốn còn dàn trãi, tầm ảnh hưởng chưa sâu rộng, chưa lồng ghép tốt các chương trình, dự án khác của Hội với hoạt động hỗ trợ vốn trong việc tham gia các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng tổ chức Hội Nông dân; việc kết hợp cho vay vốn với tập huấn, chuyển giao KHKT tại các mô hình sản xuất chưa được chú ý. Vốn cơ sở chuyển cấp huyện quản lý, một số huyện giải quyết nợ quá hạn chưa dứt điểm.
Để giải quyết tồn tại, đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành Quỹ, yêu cầu đặt ra là Quỹ HTND phải đổi mới và nâng cao hiệu quả họat động, trong đó cần hoàn thiện công tác quản lý Quỹ trong cả hệ thống tổ chức. Theo đó, Quỹ có nhiệm vụ vận động, gắn kết các hộ hội viên nông dân với các mô hình kinh tế hợp tác. Lựa chọn những cán bộ Hội đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị tham gia công tác quản lý, điều hành Quỹ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng nhiều hình thức cho cán bộ Hội tham gia quản lý Quỹ, nhất là nghiệp vụ kế toán cấp huyện. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở Hội thực hiện công khai, dân chủ các khâu lập dự án, thẩm định, cho vay, phấn đấu bảo đảm đúng đối tượng, bảo toàn vốn Quỹ HTND, thu hồi gốc và nộp lãi đúng quy định.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân an toàn và hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ Hội, người vay sử dụng vốn sai mục đích, chiếm dụng, xâm tiêu vốn, phí. Công tác kiểm tra phải bằng nhiều hình thức: Kiểm tra tại chỗ, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo, kiểm tra nội bộ của Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân.
Tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của Quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, tích cực tham mưu cấp uỷ Đảng cùng cấp về chủ trương vận động phát triển Quỹ. Thực hiện nghiêm túc quy trình và nghiệp vụ tín dụng; nâng cao chất lượng tín dụng. Quỹ HTND phải cùng với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn để hội viên, nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả, qua đó hạn chế rủi ro tín dụng.
Cần coi trọng công tác sơ kết, tổng kết định kỳ để đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, thiếu sót để kịp thời khắc phục; phổ biến nhân rộng các mô hình đạt kết quả tốt. Quan tâm công tác thi đua, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác Quỹ, hội viên sử dụng hiệu quả đồng vốn; những tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp đối với hoạt động Quỹ./.