TIN MỚI

Người tạo việc làm chính đáng cho nông dân

Ông là Võ Công Thọ, hội viên nông dân xã Bắc Ruộng, hiện là chủ DNTN thu mua nông sản và chế biến nhân hạt điều. Năm 2014, ông được Hội Nông dân các cấp bình xét nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Xưởng chế biến hạt điều của gia đình ông Võ Công Thọ

Chúng tôi có cơ hội được biết về ông trong dịp làm phóng sự về các gương điển hình nông dân sản xuất giỏi. Ông là một trong 12 gương tiêu biểu được tỉnh chọn làm phóng sự để tuyên truyền, nhân rộng trước, trong và sau hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh lần thứ VIII (2012-2014). Ấn tượng ban đầu với chúng tôi về ông, đó là một con người thân thiện, dễ gần, không tạo khoảng cách với người đối diện.

Ông cho biết: Tôi lập gia đình từ năm 1993, tài sản chỉ là một chút vốn tích lũy được từ những ngày làm thuê ngay sau thời gian xuất ngũ năm 1990; vợ chồng đã phải ở nhà thuê, đến năm 2004 mới mua được đất xây nhà. Trong 10 năm đó hai vợ chồng cùng hai sương một nắng với những công việc của nhà nông kết hợp mua bán nông sản nhỏ. Bản thân tôi, hàng ngày từ 4 giờ sáng phải đạp xe đạp qua Đồng Nai mua nông sản để kịp về bán trong ngày, với mong muốn quay nhanh đồng vốn và có lãi nhiều cho gia đình có cuộc sống tốt hơn. Việc kinh doanh của vợ chồng cũng may mắn, lượng hàng mua bán ngày một lớn, đòi hỏi phải có nơi để trữ hàng và phơi nông sản nên trong 2 năm (2005-2006), tôi đã xây dựng nhà kho, sân phơi.

Việc chuyển từ mua bán nông sản sang đầu tư lĩnh vực chế biến nhân hạt điều có thể nói là một cơ duyên. Đó là trong những lần vào Long An mua bán, tôi đã phát hiện ra một điều: Long An họ không trồng điều nhưng họ lại đang làm giàu bằng chính hạt điều của quê mình. Vậy tại sao mình không làm được? Thế là bản lĩnh của người bộ đội năm xưa lại một lần nữa là động lực thúc đẩy giúp tôi có một kế hoạch kinh doanh mới. Và năm 2009 tôi đã thành lập doanh nghiệp tư nhân lấy tên: DNTN Phú Thọ, là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ với 2 tỉ vốn pháp định và 20 công nhân. Doanh nghiệp được thành lập trong tình hình ngành sản xuất, chế biến hạt điều vừa trải qua thời kỳ ảm đạm mới đang được hồi sinh; nhưng do sản xuất có kế hoạch, quản lý tốt và đồng thời luôn quan tâm đến người lao động nên việc kinh doanh bước đầu khá phát triển. Đến năm 2011, tôi tiếp tục xây thêm một nhà máy trên diện tích 1 ha tại xã Đa Kai, huyện Đức Linh; trong đó trang bị các loại máy: Máy phân loại kích cở hạt điều, máy hấp, máy sấy, máy đánh tróc; bố trí phòng ăn, căn tin cho công nhân. Cở sở sản xuất gồm 2 khu vực với 300 công nhân, khu vực 1 để làm phân xưởng phân loại nhân hạt điều; khu vực 2 là phân xưởng sản xuất chính. 

Đây là năm thứ 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động do đó còn khá mới mẻ và non trẻ trên nhiều mặt hoạt động. Hơn nữa, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới; diễn biến thị trường khá phức tạp, giá cả hàng hóa không ổn định, cùng với tình hình thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng nông sản đã gây ra nhiều bất lợi cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên với sự quyết tâm và cố gắng phấn đấu của các thành viên trong gia đình, của các anh chị em công nhân trong doanh nghiệp cộng với sự tạo điều kiện và giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, chúng tôi đã dần vượt qua. Hiện nay, tổng thu nhập bình quân của gia đình sau khi trừ chi phí trên 1 tỷ đồng/năm. Lao động của doanh nghiệp (trong đó có 200 lao động thường xuyên và 100 lao động thời vụ) có mức lương từ 2-6 triệu đồng/tháng. Trong đó có hàng chục lao động khung được đóng BHXH, nộp ngân sách Nhà nước bình quân mỗi năm 2 tỷ đồng.

Ngoài việc lo sản xuất kinh doanh phát triển để thu hút và tạo việc làm ổn định cho lao động, tôi luôn chung tay đóng góp vào các hoạt động xã hội, trung bình mỗi năm doanh nghiệp bỏ ra 100 triệu đồng để chi cho các hoạt động, nhân đạo, từ thiện; giúp các hộ nghèo, khó khăn mượn không lãi từ 400 - 500 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Trong năm 2011, hỗ trợ 15 triệu xây nhà cho một hộ nghèo của địa phương và năm 2010, 2012, 2014 doanh nghiệp đã tài trợ cho xã Bắc Ruộng tổ chức 03 giải bóng chuyền “ Mừng Đảng - Mừng Xuân” cúp Phú Thọ, tài trợ chương trình thi “đường lên đỉnh Olympia” cho trường THPT Nguyễn Văn Trỗi; tặng quà tết cho bà con người nghèo ở 2 xã Bắc Ruộng và Đakai; tặng 1.920 phần quà Trung thu cho thiếu nhi Bắc Ruộng trị giá hàng trăm triệu đồng…. Ngoài ra, doanh nghiệp còn ủng hộ vào các chương trình Vì người nghèo, thể dục thể thao của huyện và các hoạt động khác khi địa phương kêu gọi. Có thể nói đây chính là yếu tố giúp doanh nghiệp được tiếp tục phát triển. Doanh nghiệp đã được nhận Bằng khen của Bộ Tài chính, UBND tỉnh về thực hiện tốt chính sách thuế; các hoạt động từ thiện xã hội.

Kết thúc buổi làm phóng sự, ông chia sẻ thêm: Với phương châm lấy uy tín, chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu và nguồn lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp nên trong quá trình sản xuất kinh doanh chúng tôi luôn chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động; người lao động được làm việc trong môi trường thân thiện, cởi mở sẽ luôn hết lòng vì doanh nghiệp và luôn chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Những chia sẻ này, có thể đủ để mỗi chúng ta suy nghĩ và nên làm như thế nào trong điều kiện hiện nay của mỗi địa phương nói riêng và tỉnh ta nói chung.


Các tin khác

Lượt truy cập

861353