TIN MỚI

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân, nông nghiệp và nông thôn mới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nông dân và coi phát triển nông nghiệp là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khác. Người đã từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, đồng thời khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”.

Trong suốt quá trình lãnh đạo dân tộc, Người luôn chú ý tới điều này. Tới năm 1965, khi bắt đầu viết bản Di chúc, Người cũng luôn tập trung vào vấn đề con người, trong đó, nông dân được chiếm một vị trí đặc biệt. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và trong di chúc khi nói về nông dân, Người đã có những kiến giải sáng tạo đặc sắc có tác dụng chỉ đạo lâu dài với cách mạng Việt Nam.

Được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có nguồn gốc nông dân, được tận mắt chứng kiến sự khổ cực, cuộc sống lầm than của người nông dân dưới ách nô lệ của thực dân, đế quốc, Người vô cùng thấm thía, thương xót và quyết tâm tìm đường giải phóng khỏi ách áp bức cho toàn dân tộc.

Năm 1911, khi bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người luôn nghĩ đến một mục đích rất cụ thể: Làm sao xây dựng một xã hội mới, mà ở đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Năm 1920, khi bắt gặp Luận cương lần thứ nhất của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã vui mừng đến phát khóc: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta. Đây là con đường giải phóng chúng ta!”1 Lựa chọn con đường cách mạng Vô Sản là con đường sẽ phải giải quyết hai nhiệm vụ cách mạng Việt Nam đó là: Nhiệm vụ dân tộc nhằm đánh đuổi thực dân pháp, giành lại độc lập cho dân tộc; và nhiệm vụ dân chủ, đánh đổ chế độ phong kiến đem lại ruộng đất cho nông dân.

 Khi giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng (nông dân lúc bấy giờ chiếm hơn 90% cộng đồng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”2.

Khi đất nước lầm than, phong trào yêu nước của nông dân là “bà đỡ” cho phong trào công nhân phát triển và là điều kiện thúc đẩy cho Đảng ra đời. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ độc lập dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hơn 80% lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường là nông dân; trong những lúc khó khăn nhất, địa bàn nông thôn là chỗ dựa của cách mạng, là nơi bảo vệ, chở che cái nôi cách mạng; giai cấp nông dân là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền còn non trẻ trong những lúc khó khăn nhất. Bởi vậy mà trong bản Di chúc để lại cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những câu từ thấm đẫm tình cảm, niềm tin, yêu thương và trân trọng đối với nông dân. Người khẳng định: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ”3. Người đề nghị “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”4. Ý tưởng này tiếp tục thể hiện nhận thức đúng đắn của Người về vai trò quan trọng của nông dân trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc và vai trò của nông dân nông nghiệp đối với nền kinh tế nước nhà. Đồng thời cũng khẳng định sự quan tâm, tình cảm thân thiết của Người đối với “đồng bào nông dân”.

Tháng 01-1953, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc"5. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng, Người cho rằng chỉ lo "cơm ăn, áo mặc" cho họ thì chưa đủ, mà phải nâng cao dân trí cho họ, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn độc lập, tự do. Người xem đói và rét đều là giặc, phải diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bởi vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Quan trọng hơn, việc mang lại quyền lợi ruộng đất cho nông dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định là một trong hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 6 ngày 19-7-1960, Người khẳng định: "Nước ta là một nước nông nghiệp..., muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy nông nghiệp làm gốc. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra"6. Điều này cho thấy Người luôn coi trọng vai trò của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Tổ quốc lâm nguy, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh giặc, trong đó, Người gửi gắm một niềm tin tất thắng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Và trước lúc đi xa, Người gửi niềm mong ước ấy đến với nhân dân những kế hoạch rất cụ thể: “Về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc... Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”7. Tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc Hồ Chí Minh thể hiện sự đúc kết những suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát của Người về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước. Tìm hiểu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp Đảng, Nhà nước vận dụng thiết thực hơn tư tưởng của Người vào sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng thời, khẳng định rõ vai trò vị trí của nhân dân trong đó chủ lực quân là nông dân và kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thực tiễn khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn dân khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là 3 nhân tố góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 để đổi mới đất nước. Tại Đại hội VI (1986), Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn, đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó chương trình lương thực - thực phẩm là quan trọng nhất nhằm đảm bảo lương thực cho xã hội và có dự trữ một phần. Từ những năm đầu thập niên 90, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với Nghị quyết 10 (ngày 05-4-1988) của Bộ Chính trị về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp đã mở đầu cho sự phát triển ngoạn mục của nông nghiệp, nông thôn nước ta. Chỉ thị, Nghị quyết của các kỳ Đại hội và Hội nghị Trung ương đều là những chủ trương, chính sách đổi mới rất quan trọng trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và đời sống xã hội nông thôn lấy kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng, là “tiền đề” cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực khác thành công. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, có tính đến xu hướng phát triển của thời đại.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều kiện hội nhập quốc tế, vị trí của nông dân, nông nghiệp không hề giảm đi mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng ta xác định đây là vấn đề có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta, đã tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực, hướng đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang sạch đẹp; phát triển, sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hóa môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, trở nên tích cực chăm chỉ đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển nông thôn giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh: Nhiều mô hình, nhiều cách làm hay, hiệu quả của các địa phương đã được phổ biến, nhân rộng; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tạo môi trường thuận lợi để khai thác khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động; triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mỗi năm; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển... Các mô hình phát triển “nông nghiệp sạch”, “nông nghiệp công nghệ cao” của nước ta đang chiếm lĩnh và cạnh tranh với nhiều quốc gia; Việt Nam là một trong 50 nước xuất khẩu nông sản, hải sản lớn, kim ngạch xuất khẩu cao có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nông dân Việt Nam chiếm gần 70% dân cư và hơn 40% lực lượng lao động xã hội, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội và chất lượng nguồn nhân lực lao động ở nước ta. Hơn 80% lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong xã hội được cung cấp từ những người nông dân. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn từ những người nông dân; địa bàn nông thôn vẫn là thị trường đầy tiềm năng để khai thác các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư ngày càng nhiều.

Nông dân làm giàu, nông thôn sạch đẹp, tạo ra vai trò mới của nông nghiệp, nông thôn về bảo vệ môi trường, làm giàu sinh thái, tái tạo và bảo vệ tài nguyên; phát triển quan hệ cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… Nông dân không chỉ đóng vai trò người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nguồn cung lao động cho nền kinh tế mà còn là đối tượng cung cấp các dịch vụ công cộng về môi trường, văn hóa… và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác.

Bức tranh xây dựng nông thôn mới đã thực sự hướng đến đời sống của người nông dân, “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” cho người dân nông thôn, đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần'' như Bác hằng mong muốn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa đã hơn 50 năm, những chỉ dẫn của Người trong di chúc vẫn là “kim chỉ nam” để Đảng ta xây dựng đường lối chiến lược tái thiết một xã hội mới trong đó có vấn đề về nông dân gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; vận dụng tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Người vào thực tiễn càng chứng tỏ tầm nhìn vĩ đại, sự quan tâm và tình yêu thương sâu sắc của Người đối với nhân dân lao động, trong đó có nông dân./.

Văn Năm (st)


Các tin khác

Lượt truy cập

860032