TIN MỚI

Hiệu quả bước đầu từ một Chương trình phối hợp KH&CN

 Chương trình phối hợp đã có những kết quả bước đầu khả quan đối với Hội Nông dân sau 3 năm thực hiện (tháng 3/2011 – 5/2013), tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở Khoa học & Công nghệ đã được cán bộ, hội viên nông dân (HVND) hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả nhất định.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới tại Phú Quý

          Công tác đào tạo, tập huấn ứng dụng tiến bộ KHCN cho HVND

           Để giúp HVND tiếp cận khoa học và công nghệ, Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN là đơn vị trực thuộc của Sở KH & CN đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức được 150 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ bệnh trên một số cây trồng như cao su, tre lấy măng, bắp lai, thanh long; kỹ thuật nuôi động vật có giá trị kinh tế cao như heo rừng, đà điểu, gà Ai Cập, ếch, lươn, rắn…; kỹ thuật trồng rau mầm, kỹ thuật sử dụng vật liệu mới trong xử lý nước thải; sản xuất các loại nấm và sử dụng chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi; kỹ thuật khai thác thông tin KHCN trên Internet,… hơn 6.000 lượt HVND tham gia.

          Thông qua các lớp tập huấn đã giúp HVND vùng nông thôn, nhất là các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức về việc ứng dụng tiến bộ KHCN, qua đó có thể tự tin hơn trong việc áp dụng các mô hình vào thực tế sản xuất, đời sống.

          Hỗ trợ cho HVND tham gia các mô hình khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất

         Từ năm 2011 đến nay, Sở KH & CN đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp hỗ trợ cho hơn 200 HVND của 10/10 huyện, thị xã, thành phố tham gia tiếp nhận các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN mới, hiệu quả như mô hình: Trồng rau sạch trong nhà lưới tại Phú Quý; tưới tiết kiệm nước tại Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc; Nuôi heo trên đệm lót tại Đức Linh, Tánh Linh, Phan Thiết; tưới phun kết hợp gốc và cành cho cây thanh long tại Hàm Thuận Nam; nuôi gà an toàn sinh học tại huyện Bắc Bình; sử dụng bóng đèn compact kích thích thanh long ra hoa trái vụ tại Phan thiêt, Bắc Bình…

Mô hình Tưới phun kết hợp gốc và cành cho cây thanh long tại xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam)
Mô hình Tưới phun kết hợp gốc và cành cho cây thanh long tại xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam)


         Thông qua hoạt động này tạo điều kiện cho người nông dân có cơ hội ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới áo dụng vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp; đồng thời đây cũng là các mô hình mẫu giúp nông dân tại địa phương tham quan học tập và nhân rộng tại địa phương, cơ sở.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ nội dung thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH & CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015.

Thông qua Chương trình phối hợp Sở KH & CN đã triển khai gần 30 đề tài, dự án cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 tại các xã nông thôn, miền núi, huyện đảo, các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Các đề tài, dự án này đang từng bước phát huy tác dụng, góp phần đáng kể làm tăng năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Trong đó đáng kể là một số đề tài dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đắc lực vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như dự án: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau sạch trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau trên đảo Phú Quý”; “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong”; “Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên nền than bùn và phụ phẩm nông nghiệp tại Bình Thuận”; “Xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận”; “Xây dựng mô hình thâm canh chuối già lùn bằng giống nuôi cấy mô năng suất cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”; … Và một số đề án điển hình như: “Xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên cây lúa tại nông hộ tỉnh Bình Thuận”, đề tài đã đào tạo một bộ phận cán bộ, nông dân nắm được kỹ thuật và chủ động sản xuất chế phẩm sinh học nấm xanh Ometar phòng trừ rầy nâu hại lúa, thay thế các loại thuốc hóa học, đảm bảo sức khỏe cho người dân và cộng đồng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường; “Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường”, đây là mô hình đầu tiên được triển khai tại Bình Thuận và đã đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là vấn đề môi trường. Kết quả các đề tài đã tạo ra được một số mô hình mẫu tại huyện Đức Linh, Tánh Linh, Phan Thiết tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học tập, ứng dụng công nghệ mới vào phòng, trừ bệnh hại, chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men tại xã Đức Hạnh (Đức Linh)

 

Các đề tài, dự án được triển khai ở một số địa phương đã giúp người nông dân, nhất là các vùng miền núi nắm bắt được các tiến bộ kỹ thuật, cải tiến thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng nông dân đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH và định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh

 Qua 3 năm, Chương trình phối hợp đã tạo được cơ chế phối hợp hoạt động trong hệ thống quản lý của Hội Nông dân và Sở KH & CN, từng bước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HVND trong việc học tập, tiếp thu tiến bộ khoa học và công nghệ để ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Song, trong thời gian tới để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình phối hợp Hội Nông dân cần chủ động hơn trong việc đề xuất nội dung, kế hoạch  và đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm; trên cơ sở đó hàng năm Sở KH & CN xây dựng kế hoạch và hỗ trợ kinh phí từ nguồn sự nghiệp KHCN để thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp.


Các tin khác

Lượt truy cập

836156