Trong tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, hội viên là yếu tố rất quan trọng, quyết định phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam mạnh hay yếu, phát triển hay không phát triển trước hết phụ thuộc vào số lượng và chất lượng hội viên. Vì vậy, trong công tác xây dựng Hội phải thường xuyên chăm lo đến công tác hội viên. Việc tuyên truyền vận động để phát triển hội viên phải là một nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở.
Hội Nông dân là đoàn thể quần chúng, là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân do Đảng lãnh đạo. Do vậy, muốn Hội lớn mạnh không thể chỉ dừng ở việc nâng cao chất lượng hội viên, mà đồng thời phải không ngừng tập hợp đông đảo nông dân vào Hội.
Phát triển hội viên rất quan trọng, vì nó phản ảnh lực lượng quần chúng và mức độ giác ngộ của quần chúng, do vậy phải tuyên truyền, vận động đông đảo nông dân vào Hội với chất lượng hội viên ngày càng cao. Trong điều kiện thực tế hiện nay, trên địa bàn nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngoài Hội Nông dân còn có nhiều đoàn thể khác như Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh,… nên các đối tượng có thể kết nạp vào Hội khó có điều kiện cùng một lúc tham gia nhiều đoàn thể. Vì vậy, phương hướng phát triển hội viên trước mắt là mỗi hộ nông, ngư dân có ít nhất một lao động chủ chốt vào Hội. Lao động chủ chốt có vai trò quan trọng trong gia đình, họ vào Hội sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thành viên khác trong gia đình, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội và phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Muốn đẩy mạnh công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, cơ sở Hội phải làm tốt công tác: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ về Hội, nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân, thu hút ngày càng nhiều nông dân vào Hội; Tăng cường các hoạt động kinh tế - xã hội; mở rộng các hình thức dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh, như: vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, tạo thêm việc làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm,…; Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, bồi dưỡng các chuyên đề: chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị của Hội cấp trên; dân số phát triển, môi trường; Vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn - xã hội; Tăng cường công tác kiểm tra, giữ vững kỹ luật Hội, đưa sinh hoạt Hội vào nền nếp, cải tiến nội dung sinh hoạt, nâng cao uy tín của tổ chức Hội ở cơ sở.
Nâng cao chất lượng hội viên là nhiệm vụ thường xuyên và cấp thiết của các cấp Hội, vì chất lượng hội viên có tính quyết định chất lượng phong trào và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả công tác của tổ chức cơ sở Hội.
Để nâng cao chất lượng hội viên phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để hội viên nhận thức và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Chỉ thị, Nghị quyết của Hội. Cán bộ cơ sở Hội, nhất là cán bộ chi, tổ Hội cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng khó khăn, vướng mắt của từng hội viên, từ đó có biện pháp động viên, giáo dục giúp đỡ họ hoàn thành nhiệm vụ của Hội.
Công tác hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của xây dựng tổ chức cơ sở Hội, bao gồm hai nội dung; phát triển hội viên mới và nâng cao chất lượng hội viên. Hai nội dung đó quan hệ mật thiết với nhau cùng nhau phát triển. Vì thế, phải làm tốt công tác hội viên thì việc xây dựng tổ chức cơ sở Hội mới có hiệu quả thiết thực và khẳng định được vị trí, vai trò của tổ chức Hội nông dân./.