TIN MỚI

Hội Nông dân với công tác chuyển giao khoa học công nghệ

  • /
  • 12.12.2013 - 14:3

Để góp phần đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao, ứng dụng KHCN mới, từng bước tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn của hội viên, nông dân đối với vấn đề KHCN mới hiện nay, nhằm tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân tiếp cận và hưởng thụ các thông tin trên mọi lĩnh vực để việc đầu tư phát triển sản xuất được hiệu quả chất lượng.

Năm 2013, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ phối hợp tổ chức 32 lớp tập huấn cho 1.200 cán bộ, hội viên, nông dân và xây dựng 12 mô hình cụ thể như sau:

Tập huấn được 32 lớp về kỹ thuật sản xuất chế phẩm EM Bokashi phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; kỹ thuật trồng gừng dưới tán cây ca cao trong vườn điều và kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng hạt điều; kỹ thuật phòng trừ rầy nâu hại lúa bằng chế phẩm sinh học nấm xanh Omerta; kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học cho nền nông nghiệp bền vững; kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót lên men; kỹ thuật sử dụng bóng đèn cao áp kích thích thanh long ra hoa trái vụ có hệ thống điều khiển tự động bằng điện thoại di động; kỹ thuật phòng trừ rầy nâu hại lúa bằng chế phẩm sinh học nấm xanh Omerta; kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học cho nền nông nghiệp bền vững; kỹ thuật trồng rau sạch bằng chế phẩm sinh học; kỹ thuật sử dụng nấm Tricoderma ủ phân chuồng; kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch măng tây cho hiệu quả kinh tế cao; kỹ thuật nuôi ếch giống và ếch thịt trong bể xi măng; kỹ thuật khai thác thông tin khoa học công nghệ; kỹ thuật sản xuất nước ép trái cây lên men. 

Xây dựng được 12 mô hìnhvề trồng nấm mèo; nuôi chim trĩ; nuôi rắn mối; trồng nấm linh chi; nuôi heo trên đệm lót lên men; nuôi dông; nuôi cá rô đầu vuông; nuôi gà an toàn sinh học; nuôi bồ câu pháp theo quy mô bán công nghiệp; nuôi trùn quế kết hợp với chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp; sử dụng bóng đèn cao áp kích thích thanh long ra hoa trái vụ có hệ thống điều khiển tự động bằng điện thoại di động tại 12/32 xã, phường được tổ chức lớp tập huấn.

Song song với việc phối hợp tổ chức tập huấn gắn với triển khai xây dựng các mô hình, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân được tiếp cận với thực tế ứng dụng kiến thức tập huấn về các cây, con lợi thế của mỗi địa phương, những giống mới hiệu quả, Hội Nông dân đặc biệt quan tâm đến những ứng dụng TBCN mới áp dụng cho cây thanh long, nhất là chương trình liên quan đến việc chong đèn thanh long kích thích ra hoa trái vụ vừa đồng thời đạt năng suất, hiệu quả, chất lượng, vừa đảm bảo tiết kiệm điện năng, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp nhất là những địa phương có diện tích cây thanh long lớn của tỉnh phải thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia và Chỉ thị số 08 của UBND tỉnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giúp nông dân tiết kiệm điện, ít chi phí trong việc trong đèn thanh long ra hoa trái vụ. Năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cung ứng cho nông dân 32.429 bóng đèn Compact (hỗ trợ giá 3.000 đồng/bóng) kích thích thanh long ra hoa trái vụ; tổ chức 02 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng đèn tiết kiệm điện năng Compact trong sản xuất thanh long trái vụ tại xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình và xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.

Hưởng ứng phong trào thi đua sáng tạo kỹ thuật do Trung ương Hội và tỉnh phát động, cán bộ, hội viên, nông dân đã tham gia các giải pháp, sáng kiến cải tiến máy móc, công cụ phục vụ sản xuất. Kết quả, Hội thi các năm Hội Nông dân đã vận động được hội viên nông dân tham gia các giải pháp và dự thi đạt giải. Riêng năm 2013 tại các Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận có 02 giải pháp đạt giải: khay nhựa bảo vệ bóng đèn Compact do tác giả Nguyễn Phú Văn, thôn Đằng Thành, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam sáng kiến đạt giải 03; cải tiến quy trình khai thác mủ trôm sạch, chất lượng và hiệu quả do tác giả Phan Khắc Phong, xã Vĩnh Sơn, huyện Tuy Phong đạt giải khuyến khích.

Bên cạnh, để kịp thời phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các mô hình ứng dụng, các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học kỹ thuật; trong năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã đăng tải 80 tin, bài trên Website tỉnh Hội và của Tỉnh ủy, báo, đài của tỉnh và bản tin công tác Hội của TW. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp triển khai xây dựng mô hình điểm, một số nông dân chưa nhiệt tình phối hợp khi được chọn làm mô hình điểm do phải chịu từ 40 - 50% trong tổng chi phí đầu tư thực hiện mô hình.

                                                                          Bài: Phạm Thị Thanh Yến

                                                    Ban Tuyên huấn Hội Nông dân tỉnh

 


  • |
  • 830
  • |

Các tin khác

Lượt truy cập

861944