Ghé thăm khu vườn có diện tích đất trên 3 sào của ông Nguyễn Thiểu – (66 tuổi) tại thôn Hội An xã Tam Thanh huyện Phú Quý, hiện khu vườn của ông đã trồng thành công nhiều loại cây ăn quả lâu năm có giá trị như: mãng cầu, ổi, mít, xoài, đào lộn hột, điều đặc biệt nhất là có khoảng 1/3 diện tích khu vườn được ông dành riêng để trồng toàn loại cây nhãn (nhãn lồng) cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Xuất thân từ nông dân, cả một đời gắn liền với đất đai, vườn tược, lúc đầu cũng chỉ trồng các loại cây ngắn hạn, mưa nắng thất thường không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên hiệu quả không cao. Từ năm 2008, ông bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng nhiều kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư nguồn nước giếng để chủ động cho việc tưới tiêu, sau khi tham khảo các mô hình trồng cây ăn quả lâu năm của các địa phương khác, ông mạnh dạn trồng thử cây nhãn, lúc đó cả huyện chưa có người trồng nhãn, nên ông phải vào tận tỉnh Đồng Nai để mua giống, không ngờ sau 2 năm trồng cây nhãn bắt đầu cho ra hoa, kết trái và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây.
Theo nhận định của nhà vườn ở đây thì cây nhãn đưa về Phú Quý cũng rất dễ trồng, cây ít bị bệnh, chất lượng quả ngọt, cơm dày không thua gì nhãn từ các địa phương khác. Bí quyết để trồng được cây nhãn ở Phú Quý, người trồng nhãn phải biết kết hợp giữa kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để cây nhãn năm nào cũng ra hoa, kết trái cho năng suất cao, chất lượng quả tốt mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Thiểu cho biết, trước khi quyết định trồng nhãn ngoài việc tìm tòi, nghiên cứu tài liệu từ sách, báo thì ông còn được tham gia 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng giống cây tại tỉnh, quan trọng là nắm vững biện pháp kỹ thuật như: chăm sóc (bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh); xử lý ra hoa bằng hóa chất (clorat kali), chống rụng hoa, rụng quả non bằng bằng kỹ thuật khoanh vỏ.
Nhãn cho thu hoạch quanh năm, ngoài thu hoạch các vụ chính nếu cho nhãn ra trái vụ bán sẽ có giá cao gấp 2 – 3 lần, một lứa cho thu hoạch từ 4 – 5 tạ quả, đem bỏ sỉ các chợ đầu mối trên huyện với giá 25 ngàn đồng/ kg, do số lượng tiêu thụ lớn nên vào những tháng cao điểm nhà vườn không có hàng để bỏ mối.
Hiện nay tại khu vườn của ông ngoài việc thu hoạch các loại trái cây, thì ông còn tận dụng tán cây tỏa bóng mát bên dưới để kết hợp nuôi dông, gà, heo và bò. Một năm sau khi trừ các khoản chi phí ông mang về cho gia đình cả 100 triệu đồng từ mô hình làm kinh tế vườn, chuồng kết hợp này.
Có thể nói thành công từ mô hình trồng cây nhãn trên diện tích đất vườn ở Phú quý không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn từng bước làm thay đổi nhẫn thức, cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nơi đây. Hy vọng những mô hình như thế này sẽ được nhân rộng, góp phần tăng cường nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân Phú Quý.
Võ Thị Huệ
Hội Nông dân huyện Phú Quý