TIN MỚI

TÌNH HÌNH KINH TẾ NÔNG NGHIỆP THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG NĂM 2020

Sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2020 chịu tác động bởi thời tiết nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa không đủ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh (theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh), dẫn đến sản xuất vụ đông xuân kết thúc muộn, kéo theo thời vụ sản xuất vụ hè thu và vụ mùa trễ hơn so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định; bệnh dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được khống chế, đến nay 47/47 xã đã có quyết định công bố hết dịch; tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, chuyển từ nuôi nhỏ lẻ sang hình thức nuôi trang trại, gia trại; chăn nuôi gia cầm phát triển khá, môi trường nuôi của các cơ sở được tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch, giá bán các loại gia cầm nhìn chung ổn định.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu, tiêu thụ hàng nông, lâm, thuỷ sản. Triển khai trồng rừng mới tập trung được thuận lợi. Nuôi trồng thuỷ sản, do thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều một số khu vực nuôi tôm xảy ra bệnh; trong khai thác thuỷ sản, thời tiết ngư trường 2 tháng đầu năm không thuận, hoạt động đánh bắt ít hiệu quả; từ đầu tháng 3 trở đi thời tiết thuận lợi hơn, hoạt động đánh bắt có hiệu quả cùng với giá xăng dầu giảm, góp phần giảm chi phí, khuyến khích ngư dân bám biển; tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản và các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thủy sản cũng hạn chế thu mua do hàng tồn kho nhiều nên tiêu thụ chậm, giá bán và hiệu quả kinh tế thấp. Trong 9 tháng năm 2020 không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài (IUU). Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trên các loại cây trồng, vật nuôi không xảy ra.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020), tổng diện tích gieo trồng đạt 101.400,4 ha, giảm 25,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích gieo trồng cây lương thực ước đạt 79.999,3 ha, giảm 27,86% (lúa đạt 69.514,5 ha, giảm 29,02%; bắp đạt 10.484,8 ha, giảm 19,09%).

Dự ước sản lượng lương thực 9 tháng năm 2020 đạt 459.877,6 tấn, so với kế hoạch năm đạt 56,71% và giảm 12,44% so với cùng kỳ năm trước (lúa đạt 391.545 tấn, giảm 13,86%; bắp đạt 68.332,2 tấn, giảm 3,36%). Năng suất lương thực bình quân ước đạt 60,57 tạ/ha, giảm 0,19% so với cùng kỳ năm trước (lúa đạt 59,52 tạ/ha, giảm 0,32%; bắp đạt 67,41 tạ/ha, giảm 0,6%).

Trong cơ cấu đất trồng, sự chuyển đổi diện tích cây lúa kém hiệu quả sang các loại cây ngắn ngày khác như bắp, đậu phộng, rau các loại và cây lâu năm nhằm mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế sâu bệnh hại; đã thực hiện chuyển đổi 8.109 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn. Chương trình xã hội hóa giống lúa 9 tháng đạt 670 ha, nông dân ngày càng quan tâm đến việc sử dụng giống lúa xác nhận đưa vào sản xuất lúa, từ đó đã làm tăng tỷ lệ giống lúa xác nhận trên địa bàn tỉnh.

Tiến độ sản xuất vụ Mùa: Cùng với việc thu hoạch vụ Hè thu các địa phương tiến hành xuống giống vụ Mùa, nhìn chung vụ Mùa năm nay gặp thuận lợi về thời tiết, mưa nhiều, nguồn nước tưới tiêu được đảm bảo. Hiện nay các địa phương chưa triển khai xuống giống đồng loạt, do ảnh hưởng bởi khung thời vụ Hè thu bị trễ, nên vụ Mùa cũng bắt đầu muộn hơn so với các năm; cụ thể khung thời vụ chung trên địa bàn tỉnh từ 01/9-30/10 kết thúc xuống giống gieo trồng vụ Mùa; riêng cây lúa, đối với vùng không chủ động nước tập trung xuống giống đến hết ngày 30/9, đối với vùng chủ động nước, do vụ Hè thu gieo trồng muộn nên vụ Mùa tập trung xuống giống từ 15/9-30/10, riêng huyện Tuy Phong vụ Mùa tập trung xuống giống từ 01/10. Theo dự báo, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2020 diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão,…

Tính đến ngày 15/9/2020 xuống giống vụ Mùa đạt 5.301,3 ha bằng 18,3% so với vụ cùng kỳ năm trước. Trong đó, lúa đạt 3.727 ha, bằng 17,1%; bắp đạt 348,5 ha, bằng 13,8%; rau các loại đạt 414,5 ha, bằng 24,7%; đậu các loại đạt 137 ha, bằng 11,8%.

* Cây lâu năm: Trong 9 tháng năm 2020, thị trường xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, giá sản phẩm đầu ra như: Thanh long, cao su, tiêu,... thấp đã ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển diện tích các loại cây lâu năm trên địa bàn tỉnh.

Tổng diện tích trồng cây lâu năm 9 tháng năm 2020 đạt 108.370,1 ha, tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước (tăng 775,6 ha). Trong đó, diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 64.307,4 ha, giảm 1,5%; cây ăn quả đạt 43.154,5 ha, tăng 4,0%; cây lâu năm khác đạt 908,2 ha, tăng 8,1%. Diện tích và sản lượng một số cây lâu năm chủ lực của tỉnh như sau:

- Thanh long: Diện tích ước đạt 32.959 ha, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 3.219 ha). Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 521.610 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (tăng 38.140 tấn), sản lượng dự ước tăng chủ yếu là do tăng diện tích đến kỳ thu hoạch sản phẩm. Đến thời điểm 15/9/2020 toàn tỉnh có 10.161,1 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; trong đó, Hàm Thuận Nam 6.485,3 ha, Hàm Thuận Bắc 2.899,8 ha, Bắc Bình 482,7 ha, Phan Thiết 69,3 ha, Hàm Tân 41,4 ha, La Gi 147,1 ha, Tuy Phong 35,4 ha.

- Cây điều: Diện tích ước đạt 17.472 ha, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (giảm 328 ha). Hiện đã kết thúc vụ thu hoạch, năng suất thu hoạch và giá điều năm nay nhìn chung ổn định. Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 11.200 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tăng 170 tấn).

- Cao su: Diện tích ước đạt 42.383,2 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước (giảm 616,8 ha); nguyên nhân giảm do trong những năm gần đây giá mủ cao su liên tục ở mức thấp, thị trường xuất khẩu không có chuyển biến tích cực, một số vườn già, kém hiệu quả đã chuyển sang trồng các loại cây lâu năm khác, dự ước việc phát triển diện tích trồng mới trong thời gian tới sẽ không tăng.

- Cây tiêu: Diện tích ước đạt 1.355,8 ha, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước (giảm 194 ha). Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.610 tấn giảm 11,3% so với cùng kỳ. Do giá tiêu ở mức thấp, trên cây tiêu thường xuyên xuất hiện nhiều sâu bệnh (chết nhanh hoặc chết chậm), năng suất thu hoạch thấp nên việc phát triển thêm diện tích mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới dự tính sẽ khó khăn hơn.

- Cà phê: Diện tích ước đạt 2.337,5 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước (tăng 37,5 ha). Sản lượng ước đạt 990 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể,…

* Tình hình dịch bệnh: Công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng được triển khai thường xuyên, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ và ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng.

- Cây lúa: Tình hình sâu bệnh có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước do diện tích cây lúa giảm; cụ thể: Diện tích nhiễm rầy nâu 865 ha, giảm 2.337 ha, phân bố tại huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh; sâu cuốn lá diện tích nhiễm 2.933 ha, tăng 1.884 ha; bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 2.075 ha, tăng 584 ha, bệnh gây hại chủ yếu tại các huyện Đức Linh,Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình; bệnh bạc lá 530 ha, giảm 1.451 ha, bệnh gây hại nặng trên những ruộng lúa sạ dày, bón nhiều phân đạm; bọ trĩ tập trung ở lúa vụ đông xuân, diện tích nhiễm 2.411 ha, tăng 1.243 ha, gây hại phổ biến tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Nam; chuột phá hoại 434 ha. Các đối tượng gây hại khác như sâu đục thân, bệnh đốm vằn, bệnh lem lép hạt, đạo ôn cổ bông,… xuất hiện và gây hại rải rác với tỉ lệ hại thấp, không đáng kể.

- Cây bắp: Sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng gây hại chính với 1.398 ha, giảm 792 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu phân bố ở huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Đức Linh.

- Cây mỳ: Bệnh khảm lá virus là đối tượng gây hại chính, nguyên nhân do chưa chủ động và kiểm soát được nguồn giống sạch bệnh; diện tích nhiễm bệnh 2.389 ha, tăng 1.891,5 ha so với cùng kỳ năm trước, phân bố chủ yếu tại huyện Đức Linh, Hàm Tân và Bắc Bình.

- Cây thanh long: Do thanh long mất giá, người dân không tích cực phòng trừ; so với cùng kỳ năm trước diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 5.757 ha, tăng 1.334 ha; vàng cành diện tích nhiễm 5.873 ha, tăng 3.977,5 ha; bệnh thán thư cành, quả có diện tích nhiễm 1.307 ha, tăng 734 ha; thối rễ 2.141 ha, tăng 1.736,5 ha; bọ trĩ, bọ xít, bọ xoè 657 ha, giảm 103 ha.

- Cây điều: Bệnh thán thư 238 ha, giảm 942 ha so với cùng kỳ; bọ xít muỗi 1.494 ha, tăng 677 ha so với cùng kỳ.

- Cây tiêu: Bệnh chết nhanh 60 ha, tăng 35 ha so cùng kỳ; bệnh chết chậm 40 ha, tăng 10 ha so với cùng kỳ.

Tình hình tưới tiêu 9 tháng: Kết quả cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt 9 tháng năm 2020 cụ thể như sau:

- Cấp nước sinh hoạt và công nghiệp: Lượng nước thô từ công trình thủy lợi cung cấp phục vụ sinh hoạt và hoạt động công nghiệp từ đầu năm đến nay đạt 12.459.300 m3, đạt 101,86% kế hoạch.

- Cấp nước tưới nông nghiệp: Vụ Đông xuân được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện đạt 38.042 ha, so với kế hoạch đạt 102,05%; trong đó, cây lúa+màu 18.251 ha, so với kế hoạch đạt 104,37%; thanh long 19.791 ha, so với kế hoạch đạt 100%. Vụ hè thu được cấp nước tưới 51.515 ha, so với kế hoạch đạt 99,28%; trong đó, cây lúa+màu 31.577 ha, so với kế hoạch đạt 98,39%; thanh long 19.938 ha, so với kế hoạch đạt 100,74%. Cấp nước nuôi trồng thủy sản, diện tích cấp nước để nuôi trồng 442 ha, so với kế hoạch đạt 100%.

2. Chăn nuôi

Ước thời điểm 15/9/2020, đàn trâu bò có 180.210 con, tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn 280.400, tăng 28,33% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 3.740 ngàn con, tăng 11,98%, trong đó, đàn gà 2.620 ngàn con tăng 12,45% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 70,1% trong tổng đàn gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 9 tháng ước đạt 47.415,6 tấn, tăng 10,63% so với cùng kỳ năm trước.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật:

Trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch ở động vật như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh trên lợn, dịch tả lợn Châu Phi; một số bệnh truyền nhiễm có xảy ra trên gia súc, gia cầm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Tuy nhiên, trước điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi như hiện nay sẽ tác động trực tiếp đến đàn gia súc, gia cầm.

- Công tác tiêm phòngĐã tiêm phòng 1.739.325 liều vắc xin, trong đó, đàn trâu bò 15.035 liều, đàn lợn 45.556 liều, đàn gia cầm 1.677.370 liều; luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020) đã tiêm phòng 20.573.681 liều vắc xin, trong đó, đàn trâu bò 95.643 liều, đàn lợn 434.273 liều, đàn gia cầm 20.043.765 liều.

- Kiểm dịch động vậtKết quả kiểm dịch đàn lợn 58.321 con, 524 con trâu bò, 51.515 con gia cầm, 5.640 kg thịt dê, 2,45 triệu quả trứng; luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020) đã kiểm dịch 814.094 con lợn, 6.566 con trâu bò, 2.153.200 con gia cầm, 208 con dê, 35.611 kg thịt dê, 22,96 triệu quả trứng.

Kiểm soát giết mổĐã kiểm soát giết mổ 933 con trâu bò, 2.700 con lợn, 5.145 con gia cầm, 282 con dê; luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020) đã kiểm soát 1.812 con trâu bò, 21.437 con lợn, 52.617 con gia cầm, 1.651 con dê.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Trong tháng, diện tích rừng trồng mới đạt 1.259 ha, lũy kế 9 tháng đạt 1.700 ha, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 4.151 ha, trong đó, rừng trồng phòng hộ 25 ha và rừng trồng sản xuất 4.126 ha. Diện tích trồng cây phân tán 210 ha.

- Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ: Lũy kế 9 tháng 132.792 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số 86.179,4 ha. Tiếp tục chủ động triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng (điều chỉnh) giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 và các nội dung tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

- Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR): Đã triển khai công tác PCCCR mùa khô 2019 -2020; tập trung theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Luỹ kế 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 41 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 67,02 ha, các trường hợp cháy được phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại cây rừng. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát thông qua hệ thống vệ tinh cảnh báo cháy rừng của địa phương, để có phương án chữa cháy rừng cụ thể cho từng khu vực có nguy cơ cháy cao. Huy động các lực lượng, phương tiện tại chỗ xử lý ngay khi mới phát hiện cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lan trên diện rộng.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Các đơn vị các cấp ở địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp PCCCR trong mùa nắng nóng, hạn chế thấp nhất cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp; theo dõi diễn biến rừng; sử dụng công nghệ thông tin lâm nghiệp; tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc các đơn vị liên quan, bảo vệ rừng ở cơ sở. Tăng cường kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh với các tỉnh, trong tháng đã phát hiện 30 vụ vi phạm lâm luật, lũy kế 9 tháng có 210 vụ (trong đó, phá rừng trái phép 9 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 51 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 76 vụ và vi phạm khác 74 vụ). Đã lập hồ sơ xử lý 208 vụ vi phạm hành chính, khởi tố hình sự 05 vụ; phương tiện bị tịch thu gồm 2 xe trâu bò kéo, 75 xe máy, 45 phương tiện khác, 185,1 m3 gỗ các loại,...

4.  Thuỷ sản                                        

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Ước trong tháng đạt 294,6 ha, tăng 6,1% so tháng cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 2.146,6 ha, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, diện tích nuôi cá 1.440 ha, giảm 1,6%; diện tích nuôi tôm ước đạt 685,2 ha giảm 3%). Nguyên nhân giảm, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng những tháng trước, nên nhiều khu vực tôm có bị bệnh đường ruột, gan,... Bên cạnh đó ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tôm thương phẩm tiêu thụ chậm, đồng thời giá tôm thương phẩm thấp nên các hộ nuôi giảm công suất nuôi, hạn chế thả giống.

- Sản lượng nuôi trồng: Ước trong tháng đạt 1.280 tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 10.371 tấn, giảm 1,3% so cùng kỳ năm trước (trong đó, cá các loại ước đạt 4.243 tấn, giảm 0,2%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 6.082 tấn, giảm 2% cùng kỳ). Nguyên nhân giảm, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hộ nuôi hạn chế thả giống.

- Sản lượng khai thác: Những tháng đầu năm, nhìn chung thời tiết ngư trường không thuận lợi, hoạt động đánh bắt ít hiệu quả, tàu thuyền nghỉ bờ dài ngày. Từ đầu vụ cá Nam trở đi, thời tiết và ngư trường thuận lợi hơn, năng suất khai thác ổn định, giá xăng dầu giảm góp phần giảm chi phí sản xuất, khuyến khích ngư dân bám biển dài ngày. Nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản trong và sau thu hoạch.

Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 20.248,6 tấn, tăng 4,4% so tháng cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 163.452,1 tấn, tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khai thác biển ước đạt 162.997,1 tấn, tăng 1,93%.

         - Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, ước trong tháng sản xuất 2 tỷ post, tăng 9,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 17,6 tỷ post, giảm 6,26% so với cùng kỳ năm trước; tình hình sản xuất tôm giống trong những tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi ổn định trở lại. Công tác kiểm tra chất lượng tôm giống xuất tỉnh và nhập tỉnh, cũng như các đối tượng giống tôm thủy sản bố mẹ được tăng cường.

 - Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 08/9/2020), đã phát hiện và xử lý 296 trường hợp vi phạm, không có trường hợp tàu thuyền hoạt động giã cào bay vi phạm vùng khai thác. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của UBND tỉnh về quản lý chặt chẽ nghề giã cào bay, ngăn chặn sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt hải sản; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND, ngày 11/11/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề giã cào trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác theo hình thức tổ đội sản xuất được quan tâm; đã kiện toàn và duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết/982 thuyền và 05 nghiệp đoàn nghề cá. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và Văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các văn bản chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Tập trung thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chống khai thác IUU và khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu; trong 9 tháng năm 2020 không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, tính đến ngày 09/9/2020 đã lắp đặt 1.704 tàu/1.917 tàu, đạt 88,9%; trong đó, lắp đặt được 35 tàu/35 tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên, đạt 100% và 1.669 tàu/1.882 tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét thuộc diện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 88,68%. Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên, tính đến ngày 08/9/2020, đăng kiểm 1.999 chiếc/3.865 chiếc, đạt 51,72%.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế nông nghiệp trong 9 tháng năm 2020 vẫn tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp có nhiều cố gắng, diện tích gieo trồng cây lâu năm, sản lượng thanh long, sản lượng khai thác hải sản tăng so với cùng kỳ năm trước; đàn gia súc, gia cầm được phục hồi, phát triển ổn định. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được khống chế; tình trạng cháy rừng gây thiệt hạn về tài nguyên rừng không xảy ra. Công tác xây dựng nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện tốt./.

Văn Năm (Nguồn: Cục Thống  kê tỉnh).


Các tin khác

Lượt truy cập

834174