Từ thực tế sản xuất và chăn nuôi ở một số Hội Nông dân xã, thị trấn cho thấy, quá trình hình thành mô hình tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân và yếu tố khách quan. Trong đó, đặc điểm quan trọng nhất là sản xuất nông nghiệp của huyện có quy mô nhỏ, lại phân tán, nên sản xuất hàng hóa từng nông hộ không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong khâu kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Khi việc sản xuất hàng hoá càng phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường càng cao thì những người lao động riêng lẻ, các hộ cá thể càng có yêu cầu phải liên kết hợp tác với nhau, nếu không sẽ khó có thể tồn tại và phát triển.
Chính vì vậy, nhiều tổ hợp tác sau khi thành lập và đi vào hoạt động đã thực sự là điểm tựa tin cậy cho hội viên, nông dân, bởi đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Đáng kể là Tổ hợp tác trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP Liễu Đào tại thôn 2, xã Hàm Đức của ông Đinh Xuân Đào làm tổ trưởng, với quy mô hơn 20 ha/24.000 trụ, các thành viên đã mạnh dạn đầu tư trồng đủ loại thanh long ruột Đỏ, ruột Trắng, ruột Tím Hồng… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với tổng sản lượng 360 tấn/năm, thu nhập bình quân hơn 2 tỷ đồng/năm cho các thành viên trong tổ. Mô hình này đã được các tỉnh, huyện bạn đến thăm và học hỏi trao đổi kinh nghiệm.
(Mô hình tổ hợp tác Liễu Đào sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thôn 2, Hàm Đức)
Ngoài ra, còn có Tổ hợp tác chăn nuôi bò tại thôn Lâm Giang xã Hàm Trí do ông Thông Minh Đồng làm tổ trưởng và một số xã Hồng Liêm, Hàm Đức, ngay từ đầu mới thành lập có 3 tổ, 33 thành viên với 45 con bò cái sinh sản, hiện nay số lượng tăng trên 120 con, là nơi trao đổi kinh nghiệm làm ăn và tiếp nhận kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để phục vụ trong việc chăn nuôi. Chính nhờ sự phân chia thời gian chăm sóc phù hợp và khéo léo, đi đôi với nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò của các tổ hợp tác có chất lượng cao, bảo đảm thời gian sinh trưởng. Việc chăn nuôi theo hình thức tổ hợp tác còn giúp các hội viên chủ động thời gian cho các công việc trong gia đình.
Điểm nổi bật là từ ngày có các mô hình tổ hợp tác, nông dân ngày càng gắn bó hơn với nhau trong trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống về trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm; phát huy được nội lực của các thành viên trong việc huy động vốn để phục vụ sản xuất... không như trước đây mạnh ai nấy làm từ khâu sản xuất đến khâu mang sản phẩm đi tiêu thụ. Hiện nay, các tổ hợp tác từng bước đã đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, còn giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2.500 lao động với mức thu nhập trên 250.000 đồng/người/ngày.
(Tổ hợp tác chăn nuôi bò tại thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí)
Điều đáng nói ở đây, là việc hình thành các tổ hợp tác đều mang tính chất tự nguyện, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước như thời bao cấp trước đây. Đó là các tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở được bảo đảm bằng tính tự nguyện, tự quyết định sự tồn tại và phát triển của mình thông qua hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đề cao tinh thần tương thân, tương ái vì cộng đồng.
Có thể nói, khi các thành viên tham gia vào tổ hợp tác sẽ khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; ngược lại, các tổ hợp tác cũng sẽ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về lao động, vật tư và tiền vốn... Vì vậy, có thể thấy mô hình tổ hợp tác là tổ chức kinh tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bất kỳ hộ nông dân nào cũng có thể tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên trong tổ, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn.
Bước đầu hình thành các mô hình Tổ hợp tác trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc cho thấy đã khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực về đất đai, lao động tại chỗ và góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa; các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Nông dân có ý thức, trách nhiệm thực hiện phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; chủ động phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang, sạch đẹp, cuộc sống nông dân ngày thêm ấm no, hạnh phúc; niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước được nâng lên./.
Nguyễn Thị Bảy - PCT HND Hàm Thuận Bắc