TIN MỚI

Tánh Linh đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022

Ngày 27/5/2022, Ban Chỉ đạo phong trào nông dân SXKD giỏi huyện Tánh Linh đã tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững toàn huyện lần thứ X (2017-2022). Kết quả, trong 5 năm qua bình xét toàn huyện có 6.989 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKDG; trong đó cấp Trung ương là 25 hộ, cấp Tỉnh là 292 hộ, cấp Huyện là 821 hộ và cấp xã là 5.851 hộ. Tại hội nghị đã tôn vinh và khen thưởng cho 02 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi 05 năm, giai đoạn 2017-2022”.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào thi đua trọng tâm và xuyên suốt của Hội. Qua 5 năm triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Tánh Linh, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt trong đó có nhiều mô hình liên kết trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, nên đã tạo được nhiều việc làm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hội viên, gia đình. Từ phong trào thi đua này đã phát huy được nội lực tinh thần lao động sáng tạo của các hội viên nông dân. 

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi luôn gắn với việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, 5 năm qua, Hội Nông dân hai cấp huyện và cơ sở đã tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với định hướng chung của huyện; trong đó chú trọng phát triển sản xuất những cây, con chủ lực có lợi thế như cây lúa, bắp, cao su, điều; nuôi heo, bò, gà và cá nước ngọt .... Hiện nay trên địa bàn huyện đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trong nông dân như mô hình “Nhân giống lúa xác nhận” có ở nhiều xã, thị trấn, mô hình “Trồng cỏ, nuôi bò” ở Đức Phú, “Gà thả vườn” ở Đức Thuận, Bắc Ruộng, “Nuôi Cá thát lát cườm” ở Gia An, “Nuôi dê nhốt chuồng” ở Suối Kiết “Trồng ớt hai mũi tên đỏ” ở Huy Khiêm, Đồng Kho..Các cấp Hội của huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập mới 15 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 28 tổ hợp tác về thủy lợi, trồng cây ăn trái và sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp 03 chi hội nghề nghiệp, 05 tổ hội nghề nghiệp và 01 Câu lạc bộ Khuyến nông. Duy trì, hiệu quả hoạt động 02 Quỹ tín dụng nhân dân ở xã Nghị Đức, thị trấn Lạc Tánh. Tích cực vận động, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp tổ chức 270 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, 105 cuộc hội thảo đầu bờ với trên 11.000 lượt người tham dự; 64 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 1.596 nông dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ cho hội viên, nông dân, nhiều hộ nông dân đã áp dụng những kiến thức được học tập vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra các sản phẩm an toàn.

Nhiều mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và cung ứng dịch vụ nông nghiệp được mở rộng và phát triển như Mô hình liên kết 4 nhà trên địa bàn TT Lạc Tánh để sản xuất lúa giống OM18 với diện tích 253 ha. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Gia An và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huy Khiêm Tánh Linh Liên kết sản suất –tiêu thụ sản phẩm với Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long 47 ha về sản xuất giống lúa xác nhận; Việc liên kết này đã giúp các hội viên nông dân được tiếp cận với KHKT từ khâu xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch, qua đó góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm, tạo sự ổn định trong sản xuất và tăng thu nhập cho hội viên từ 17 đến 21 triệu/ha/năm 3 vụ.

Đặc biệt là qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo trong bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hộ bà Nguyễn Thị Hà (dân tộc K-Ho) -Thôn 1 xã Măng Tố với mô hình Mây tre đan mỹ nghệ,  nhận gia công đan lát các sản phẩm mỹ nghệ bằng vật liệu như tre, song mây, bèo tây, cây chuối khô hoặc sợi nhựa. Đến nay Tổ Mây tre đan mỹ nghệ của gia đình có 112 Thành viên. Thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng đến 4.5 triệu đồng/hộ/tháng. Qua 5 năm hoạt động, Tổ dần đi vào ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc Thôn 1. Hộ Ông Trương Khắc Dũng thôn 3 xã Đồng Kho với diện tích sản xuất canh tác của gia đình là 16 ha, trong đó: 12 ha chuyên trồng Lúa chất lượng cao; 02 ha trồng cây Cao Su; 02 ha trồng cây điều ghép. Thu nhập hàng năm đạt từ 700-800 triệu đồng. Không những làm giàu cho gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 10 lao động mùa vụ với mức lương 5 triệu đồng/người/năm. Hộ ông Huỳnh Bình thôn 2 xã Gia An với lợi thế từ nguồn nước sông La Ngà chảy quanh năm có điều kiện nuôi cá nước ngọt đặc biệt là cá Chình do đó ông đã đầu tư 5 lồng bè nuôi cá Chình với thể tích là 50 m3; bình quân cứ 1 lồng nuôi có thể tính 9 -10m khối, thả từ 120 -150 con giống cá chình. Sau 2 năm trọng lượng cá đạt từ 3 đến 5 ký/con, giá bán hiện nay từ 350 đến 400 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoản 80 đến 100 triệu đồng/lồng cộng với 2ha trồng lúa hằng năm cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng,

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng vùng sản xuất, tận dụng tốt tiềm năng đất đai, liên kết sản xuất, xây dựng mô hình  là một trong những thế mạnh đã được hội viên hội nông dân trên địa bàn huyện nhiệt tình hưởng ứng và triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đây cũng là một trong những phong trào trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của các cấp Hội nông dân trên địa bàn huyện Tánh Linh. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã chủ động khai thác các nguồn vốn để tín chấp cho nông dân vay đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay tổ chức hội đã phối hợp với ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng CSXH huyện nhận tín chấp, ủy thác với tổng số vốn vay lên đến trên 633 tỷ đồng giúp cho trên 7.300 luợt hộ vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương, Tỉnh và huyện Hội cũng đã triển khai xây dựng hàng chục dự án về phát triển sản xuất với tổng số vốn gần 4 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn vay, các dự án được triển khai trong thời gian qua đã góp phần động viên khích lệ hội viên trong huyện đổi mới cách nghĩ, cách làm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương nêu cao tinh thần đoàn kết góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, đóng góp trên 15 tỷ đồng, cùng với vốn hỗ trợ của Nhà nước xây dựng trên 30km đường bê tông, tu sửa nâng cấp và làm mới 15 km đường giao thông nội đồng, 21km kênh, mương thủy lợi và góp phần xây dựng 08 xã về đích nông thôn mới.

Có thể nói những kết quả đạt được trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trong những năm qua, đã tạo tiền đề để thúc đẩy KT-XH trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, qua đó xây dựng tổ chức Hội vững mạnh nâng cao vai trò vị thế của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và giảm nghèo bền vững sẽ góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM vào năm 2025./.

                                                                 Hồ Phượng –Hội Nông dân Tánh Linh


Các tin khác

Lượt truy cập

836772